Bài tổng hợp thông tin của MEDIA99.
Ông Nguyễn Đình Khánh, tên thật là Nguyễn Văn Xuân tự Khánh Ký, sinh năm 1884 ở làng Lai Xá, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Nguyễn Đình Khánh được xem là ông Tổ của nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá. Dù là hiệu ảnh thứ hai của người Việt Nam mở ở Hà Nội, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Khánh Ký nhanh chóng vang xa ngoài biên giới quốc gia.
Lai Xá được cụ Nguyễn Đình Khánh truyền dạy nghề và trở thành làng nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ XIX, phát triển rực rỡ nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh đã mở hiệu ảnh chân dung đầu tiên lấy tên là Khánh Ký tại phố Hàng Da – Hà Nội. Sau đó phát triển và hình thành hơn 150 hiệu ảnh ở khắp đất nước với khoảng hơn 2.000 thợ ảnh; tập trung nhất là Hà Nội có 35 hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu ảnh…
Năm 1910, Khánh Ký đặt chân tới Paris. Từ năm 1911 đến 1915, Khánh Ký đã mở được hai hiệu ảnh ở Pháp. Một hiệu ảnh ở TP Toulouse và tại Paris. Không những thế, ông còn là tay máy để lại dấu ấn khi chụp ngài Raymond Poincarre đắc cử Tổng thống Pháp năm 1913, được báo Ilustration chọn đăng ra trang bìa và nhiều báo chọn dùng để nói về sự kiện. Bên cạnh việc kinh doanh, Khánh Ký là một người yêu quý và giúp đỡ cho nhiều nhà chí sĩ, nhà cách mạng. Khánh Ký cũng chụp một bức ảnh chân dung toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier, người bảo trợ hoàng đế Bảo Đại và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trên báo “L’Illustration” số 4740. Năm 1933 “Le voyage de l’empereur d’annam du Tonkin” có các ảnh phóng sự của ông về chuyến viếng thăm của hoàng đế Bảo Đại ở Bắc Kỳ.
Vào những năm 1916 – 1917, khi Khánh Ký mở hiệu ảnh tại Paris, thời gian này Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động cách mạng tại Pháp. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 – 1923) (NXB Chính trị Quốc gia 2002): Giai đoạn đầu sang Pháp, Bác đã được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh… trợ giúp về tài chính, nơi ở và truyền bá cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động.
Các hình của cơ sở ảnh của ông có mang dấu ấn “Khanh Ky photo, Hanoi”, “Photo Khanh Ky Saigon”. Ông cũng chụp ảnh cho Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises). Một số ảnh của ông cũng có đăng trên báo “Monde colonial illustré (1931)” trong số đặc biệt nhân dịp Hội chợ triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale, 1931) và số năm 1932 sau khi Bộ trưởng thuộc địa, Paul Reynaud, đến viếng Đông Dương.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 5-1946, cụ Khánh Ký viết thư cho Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn về nước nhưng không may, cụ tạ thế tại Paris ngày 31/5/1946, thọ 72 tuổi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Người đã dành thời gian đến viếng mộ cụ Khánh Ký như một người bạn vong niên.
_________
Lai Xá còn là đất danh nhân với nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà văn hóa lớn, nhà giáo dục, giáo sư Nguyễn Văn Huyên (cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT); các nhà khoa học: tiến sĩ vật lý Nguyễn Quang Riệu; giáo sư Nguyễn Quang Quyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh; giáo sư, tiến sĩ vật lý Nguyễn Qúy Đạo; NSND Bạch Diệp; NSƯT Phi Tiến Sơn…
Những người thợ ảnh thời đó không chỉ biết chụp ảnh mà còn phải thành thục các khâu đoạn, từ ngâm ảnh, vỗ ảnh, lắp phim vào máy, vệ sinh máy phóng ảnh… tráng phim, sửa phim, in phóng ảnh, chấm sửa ảnh, tô màu ảnh. Do đó, luôn có vài chục người trong mỗi cửa hàng của Khánh Ký vừa học vừa làm. Từ đó, sản sinh ra một đội ngũ đông đảo những người thợ làm ảnh Lai Xá. Họ tỏa đi khắp nơi trong nước, thậm chí còn sang cả Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc mở hiệu ảnh. Vì thế, Khánh Ký đã trở thành tổ nghề ảnh làng Lai Xá.
Hiện làng Lai Xá đã có Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá.
Dấu tích Việt trên đất Pháp tổng hợp thông tin.
Ảnh: Vietnamnet