Camargue rộng 1.500km2, nằm bên bờ Địa Trung Hải, là công viên thiên nhiên cấp vùng của Pháp và khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Nếu có dịp vào nhà hàng và thưởng thức những món ăn ngon chế biến từ gạo Camargue, bạn hãy dành một phút tưởng niệm những người lính thợ Việt Nam đã truyền bí quyết trồng lúa cho nông dân Pháp và vĩnh viễn vùi thân nơi đất lạ.
______________
Trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ hai, Chính phủ Pháp đã huy động 20.000 thanh niên nông thôn Việt Nam sang Pháp làm việc trong các nhà máy quân sự. Trừ một số rất ít tình nguyện, phần lớn những thanh niên này bị ép buộc phục vụ “mẫu quốc”.
Ở Việt Nam, gia đình nào có ba con trai trở lên đều phải cử một người sang Pháp nếu không muốn bị tù tội. Lính thợ Việt Nam phải làm việc trong những điều kiện khủng khiếp tại các nhà máy quân sự hoặc vùng đầm lầy Dordogne, các khu rừng của Vaucluse, các xưởng dệt châu thổ sông Rhône. Họ cũng có mặt tại các ruộng muối hoặc ruộng lúa Camargue – nơi họ bị tấn công bởi muỗi và cái nắng thiêu đốt.
Năm 1941, trước nguy cơ thiếu lương thực, Chính phủ Pháp huy động hàng trăm lính thợ Việt Nam – những người am hiểu bí quyết trồng lúa – đến Camargue giúp nông dân cải thiện kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm.
Vào thế kỷ 16 và 19, nông dân Camargue đã thử trồng lúa nhưng chỉ thu được một loại gạo thô dùng để nuôi gia súc, làm khô đầm lầy hoặc khử mặn cho đất. Ngược lại, từ 5.000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, việc trồng lúa gạo đã xuất hiện ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng và hình thành những kỹ thuật tinh vi: làm đất, cấy lúa, tưới tiêu.
Những bí quyết này được lính thợ Việt Nam truyền cho nông dân Camargue từ năm 1941-1948.Những người lính thợ này không chỉ khôi phục nghề trồng lúa gạo ở Camargue, mà còn giúp dân Camargue tránh được nạn đói trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ hai, làm giàu cho các đại điền chủ xứ Arles.
Vào những năm 1950, lính thợ Việt Nam được thả tự do để trở về cố quốc. Khoảng 1 ngàn người trong số họ đã chọn định cư ở Pháp. Nhà báo Pierre Daum cho biết, ngày 5/10/2014, tượng đài tưởng nhớ 20.000 người lao động Việt Nam bị chính quyền thuộc địa Pháp cưỡng bức lưu đày trong Thế chiến II được khánh thành ở Camargue.
12 năm khổ sai vất vả, người nông dân Việt đã cải tạo hơn 10000 hecta đất trồng lúa (tức là 2/3 diện tích so với ngày nay). Chính những anh hai lúa đã góp phần làm thành phố Camargue nghèo nàn trở nên nổi tiếng vì lúa.
Ngày nay Camargue tự hào là nơi duy nhất cung cấp gạo « sạch » cho nước Pháp. Vô hình chung, những người nông dân Việt đã làm rạng danh cho văn minh lúa nước VN tại Pháp.
Pháp đã biết lợi dụng những người nông dân Việt để nắm kinh nghiệm trồng lúa nước. Sau khi chiến tranh kết thúc, trên những cánh đồng lúa, thay thế người lao động Đông Dương là người Ý và Tây Ban Nha, được tuyển dụng có hợp đồng lao động và được trả lương một cách tử tế. Từ đó, không ai nghĩ tới những người nông dân Việt Nam đã viết lên những trang đầu tiên của ngành nông nghiệp trồng lúa tại Camargue.
Sau 5 năm đấu tranh với chính quyền địa phương, với những người trồng lúa tại Camargue và hoàn thiện các thủ tục hành chính, hội Tưởng niệm những người lao động Đông Dương (association “Mémorial pour les Ouvriers Indochinois”, M.O.I) đã thành công buộc Lịch sử ghi nhận sự cống hiến của những con người bị lãng quên.
Trong sân một chi nhánh thị chính Arles tại Salin-de-Giraud, một bức tượng bằng sắt tưởng niệm một người nông dân Việt Nam đã được dựng lên. Bài phát biểu tại buổi lễ của Bertrand Mazel, Chủ tịch Hiệp hội người trồng lúa tại Camargue, thể hiện một cách đầy đủ và súc tích lòng biết ơn tới những đóng góp của những người nông dân Việt Nam tại vùng đất này : “Tới lượt chúng ta có trách nhiệm tưởng niệm những người lao động tới từ Đông Dương trong giai đoạn lịch sử đau thương của nước Pháp. Thực tế là phải công nhận sự mất mát, hy sinh, đau khổ mà họ đã phải trải qua, và phải ghi nhận sự đóng góp bị rơi vào quên lãng của họ. Đúng là ngành nông nghiệp trồng lúa nợ họ rất nhiều vì họ đã tham gia vào việc phát triển ngành này sau Đệ Nhị Thế Chiến. Họ đã truyền cho vùng Camargue kỹ thuật cấy lúa mới mà chúng ta sẽ không bao giờ quên”.
Dấu tích Việt trên đất Pháp tổng hợp thông tin