Hoàng Thị Thế – con gái của nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám là một trong những người Việt đầu tiên trở thành ngôi sao điện ảnh thế giới với nghệ danh là Lady Tsen Mei.
Nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám – « Hùm thiêng Yên Thế » có năm người vợ, trong đó bà ba là Đặng Thị Nho, còn được gọi là « Bà Ba Cẩn », là người tài giỏi, khéo léo. Bà Ba Cẩn sinh hạ được một con gái là Hoàng Thị Thế (1901) và một con trai là Hoàng Văn Vi, còn gọi là Hoàng Bùi Phồn (1908).
Lên ba tuổi, Hoàng Thị Thế được hứa hôn với một người con của hoàng đế Trung Hoa. Sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám hy sinh, gia đình ly tán mỗi người một nơi. Tháng 6/1909, Hoàng Thị Thế bị quân đội Pháp bắt cùng mẹ tại Yên Thế. Mẹ bà đã tự vẫn trên tàu đi đày sang Nam Mỹ, còn Hoàng Hoa Thám chết hoặc mất tích, đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết và không tìm thấy mộ của ông.
Hoàng Thị Thế trở thành cô nhi. Năm 1916, bà bị đưa sang Pháp học. Lúc đầu được Bouchet nhận trông nom, sau giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Khi Albert Sarraut sang làm Toàn quyền Đông Dương (từ 11/1911 đến 1/1914) đã nhận bà làm con nuôi, lấy tên là Marie Beatrice Destham rồi đưa qua Pháp học khi mới 16 tuổi. Năm 1922, bà đòi về nước và được thu xếp cho về làm việc trong phủ Thống sứ. Năm 1925, học xong tú tài phần một, Hoàng Thị Thế được đưa về Việt Nam làm thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.
Năm 1927, bà lại bị đưa sang Pháp học, nhưng bà từ chối học luật mà bắt đầu làm diễn viên từ năm 1929 tại Paris cho đến những năm đầu 1940. Vai diễn đầu tiên là vai nàng công chúa Trung Hoa lưu vong có tên gọi là Li Ti trong phim La Lettre (Bức thư) do hãng Paramount sản xuất tại Paris. Dư luận nước Pháp bỗng sôi nổi vì bộ phim La Lettre bởi lời giới thiệu của các nhà sản xuất rằng họ đã vinh hạnh mời được một công chúa Trung Hoa vào vai chính. Thế nên, mọi người nô nức rủ nhau đi xem đến mức tạo nên một làn sóng. Họ cố tình muốn xem mặt vị công chúa lưu vong và trở thành diễn viên thế nào. Họ đồng cảm được với tâm trạng đau khổ của người từ địa vị tôn quý lại rơi vào chốn bụi trần. Họ ái ngại và từ đó có cảm tình với Hoàng Thị Thế.
Và cũng sau cuốn phim ấy, Hoàng Thị Thế đã phải tiếp đón hàng ngày hơn trăm người khách lạ, hoặc tới thăm viếng tặng hoa, hoặc tới phỏng vấn an ủi, hoặc tới mời cô đi dự tiệc, nhất là các công tử và đại gia đều cạnh tranh nhau để được cùng khoác tay đi chơi, hoặc dự tiệc với nàng công chúa ấy.
Trong lúc này đến các du học sinh Việt Nam ở Pháp, mà về sau tốt nghiệp đã về nước như: Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Nguyễn Bá Lãng, kỹ sư Thái Thiện Nghĩa v.v… đều có hân hạnh lui tới tặng hoa, thăm viếng.
Năm 1931, bà kết hôn với ông Robert Bourgès – người Pháp gốc Bỉ, sinh được một con trai là Jean-Marie Bourgès vào năm 1935, bà tiếp tục có các vai diễn trong các phim La donna Bianca (1931), Le secret de l’émeraude (1935),…Đa phần các nhân vật của bà tham gia đều là các vai công chúa Trung Hoa.
Tưởng đâu chiếc thân bèo dạt nhờ cơ hội ấy mà yên cửa nhà, không dè sau một thời gian ân ái, đức lang quân mới hỏi đến gia tài ngày trước. Hoàng Thị Thế mới đem hoàn cảnh sự thật nói cho chồng biết rằng, vào năm 1909 sau khi ông Hoàng Hoa Thám nghị hòa với quân Pháp, thì toàn quyền Paul Doumer có cắt đất Yên Thế, gồm có lối 5 ngàn cây số vuông, giao trọn cho nhà cách mạng. Chồng của Hoàng Thị Thế mới dùng thế lực của mình kiện chính phủ Đông Dương, lúc bấy giờ do toàn quyền Pasquier nắm quyền, để lấy lại đất đai của ông già vợ mình, đất đai thời đó trị giá những 100 triệu Franc Pháp. Vụ kiện đó kéo dài hai năm, bị bác bỏ.

Không thấy được kết quả, thì bấy giờ Hoàng Thị Thế mới thấy được lòng dạ của chồng, là từ ấy trở đi cơm không lành canh không ngọt, mặc dầu với đức hạnh của một gái Đông phương biết chiều chồng nuôi con, vẫn không an ủi chồng được, và ngày ngày vẫn kiếm chuyện xích mích gây gổ, nào “trái ấu không tròn”, nào là “bồ hòn cũng méo”. Thì ra sau khi biết rõ rằng nàng không phải đúng một vị công chúa Trung Hoa như người ta đồn, mà chỉ là con của một người “phiến loạn” của xứ “An Nam” thì không bao lâu cái gia đình Pháp – Việt ấy tan rã, chặt đứt oan tình.
Cuộc đời của bà đúng là sự gian truân của hồng nhan, trong đó đặc biệt là phần cuộc sống của bà khi là diễn viên nổi tiếng tại Pháp. Không biết bao nhiêu phần thực hư quanh định mệnh đầy sóng gió người con gái độc nhất của Hoàng Hoa Thám, nhưng phần chân thật nhất của cuộc đời bà có thể tìm thấy từ quyển hồi ký do chính bà viết ra, với những câu chuyện chỉ dành riêng cho tuổi thơ của mình, đã thể hiện những nỗi tiếc nuối đau đớn sâu sắc khi nhìn lại sự sum vầy đầy hạnh phúc đã vĩnh viễn không trở lại.
Năm 1939, Hoàng Thị Thế sang nước Bỉ sinh sống một thời gian, sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, Hoàng Thị Thế trở lại Paris.
Năm 1959, Hoàng Thị Thế được Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm mời về Sài Gòn, nhưng bà đã từ chối. Năm 1961, bà quyết định trở về Hà Nội sau khi nhận lời mời của phó thủ tướng VNDCCH Phan Kế Toại. Ban đầu bà sống ở Hà Bắc, đến năm 1974, bà về Hà Nội và sống bình lặng tại phòng 31, khu tập thể Văn Chương.
Năm 1963, tại Hà Bắc, khi đã 62 tuổi, bà viết hồi ký KỶ NIỆM THỜI THƠ ẤU bằng tiếng Pháp về những năm tháng tuổi thơ cùng người cha và mẹ anh hùng. Hơn 10 năm sau, vào năm 1974, bà đến Hà Nội ở phòng 31 khu tập thể Văn Chương. Đến năm 1975, bà mới đặt tên cho cuốn hồi ký của mình là “Kỷ niệm thời thơ ấu”, cũng trong năm này, cuốn hồi ký tiếng Pháp của bà đã được Hoàng Cầm (bút danh Lê Kỳ Anh) dịch sang tiếng Việt, với sự hiệu đính của Khổng Đức Thiêm. Quyển sách tuy mỏng nhưng thấm đượm tình cảm, và diễn tả lại khung cảnh cuộc sống lúc ấy của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Sau đó, bà mất vào năm 1988 tại khu tập thể Văn Chương. Một cuộc đời đầy biến động đã trôi qua, may mắn ta còn những dòng viết còn lại của bà.
Dấu tích Việt trên đất Pháp tổng hợp
Ảnh: sưu tầm
2 Comments