Cách đây 60 năm, 1.500 người xứ Đông Dương là những quân nhân hay công chức phục vụ cho chính quyền thuộc địa Pháp đã được « hồi hương » về sinh sống trong một khu làng nhỏ Noyant-d’Allier nằm giữa miền trung nước Pháp. Những người Pháp gốc Việt đó đã dựng nên một khu làng Việt độc đáo, nay trở thành điểm thu hút du khách đến thăm.
Nhật báo Công giáo La Croix đưa độc giả đến vùng miền trung nước Pháp, vùng Auvergne. Nơi đây có một khu làng Việt có 700 con người sinh sống trong một khung cảnh bình yên và đặc biệt là mang dấu ấn lịch sử của một thời thực dân đã nhạt nhòa.
Ngược dòng thời gian La Croix cho biết : Sau hiệp định Genève năm 1954 trả lại độc lập cho xứ thuộc địa Đông Dương, chính quyền Pháp đã cho các công chức, quân nhân người bản xứ mang quốc tịch Pháp hoặc con lai được trở về chính quốc. Khi đó có khoảng 5.000 nghìn người đã được « hồi hương » về chính quốc. Họ được đưa đến định cư ở hai nơi : một nằm ở xã Saint Livrade sur Lot, trong tỉnh Lot et Garonne, khu tập trung thứ hai chính là Noyant-d’Allier, nằm giữa cánh đồng thôn quê, trong khu làng của các thợ mỏ bỏ trống sau khi khu mỏ đóng cửa từ năm 1943.
Với những người đến từ Đông Dương này, đa phần là người gốc Việt, chuyến «hồi hương» này quả là không dễ dàng gì nếu không muốn nói là một sự hy sinh mất mát. Họ đến nơi định cư mới với gần như hai bàn tay trắng, trong khi trước đó không lâu, ở xứ sở của mình họ là những gia đình giàu có, sống trong các dinh cơ lớn, trong nhà có kẻ hầu người làm. Trong mắt họ, trước đó nước Pháp chỉ có Paris. Thế rồi cuộc sống cứ vẫn phải trôi đi, họ phải tìm kiếm việc làm trong các khu công nghiệp trong địa phương các đó vài chục cây số.
Qua các nhân chứng kể lại với La Croix thì, chính quyền địa phương đã phải sửa sang lại nhiều khu nhà của xã làm trường học để đón nhận các con em những người hồi hương. Ban đầu người dân địa phương không mấy cởi mở với những người hồi hương Đông Dương này. Nhưng giờ đây thì sự phân cách này dường như đã bị xóa bỏ.
Nguồn, ảnh: RFI