Nhiều thương hiệu Việt vang bóng một thời đang nỗ lực hồi sinh


Số liệu Tổng cục Thống kê công bố, trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có 85.357 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động cũng vượt 52.500 doanh nghiệp. Xu hướng doanh nghiệp “chết lâm sàng” đang tăng với tỷ lệ hai con số so với cùng kỳ.

Sinh ra doanh nghiệp, quan trọng là phải nuôi được doanh nghiệp lớn lên và phát triển. Thế nhưng có tới trên 92% doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, tức là chưa kịp lớn thì đã phải “khai tử”, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khó có thể lớn và sống được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và một môi trường chưa có nhiều cải thiện.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp may mắn lớn được, tạo được tiếng vang nhưng lại có vòng đời khá ngắn ngủi. Đa số các doanh nghiệp Việt trừ các doanh nghiệp nhà nước thường không tồn tại được quá 30 năm.

Cách đây hàng chục năm, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tên tuổi gắn với các sản phẩm như xà bông cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, mì Miliket, xá xị Chương Dương, giày Thượng Đình…được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập với thế giới, không ít tên tuổi dần rơi vào quên lãng hoặc bị thâu tóm. Với uy tín thương hiệu và sự hoài cổ của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu hàng chục năm tuổi đang quyết tâm thay đổi, cấu trúc và vực dậy tên tuổi của mình như Wonderfarm, Biti’s, Bông Bạch Tuyết, Miliket, Xá xị Chương Dương,…

Mì Miliket sống nhờ thị trường ngách

Người tiêu dùng hoài cổ có lẽ thấy vui khi thương hiệu mì 2 con tôm của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (CMN) – một thương hiệu có tuổi đời 45 năm thuộc “thế hệ vàng son” của doanh nghiệp Việt đang dần hiện diện nhiều hơn và kinh doanh tốt lên. Đây là một công ty đã được cổ phần hoá từ khá sớm nhưng chậm lên sàn. Mãi đến ngày 10/7/2017, công ty mới niêm yết trên sàn UpCoM. Do đó, dù vẫn tồn tại và có lãi song Colusa – Miliket không thành công như thương hiệu cùng lứa tuổi là Điện Quang.

Trong nửa đầu năm 2018, doanh thu của Miliket đạt mức 283 tỷ, tăng trưởng 11%. Lợi nhuận sau thuế thu về 11,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2017. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ lắm tiền nhiều của, mặc dù không có điều kiện chi nhiều tiền quảng cáo, Miliket vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đó là tập trung vào phân khúc nông thôn, những người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, chứ không bán rộng khắp. Nhờ đó, mì 2 con tôm vẫn sống khỏe trong thị trường ngách với tập khách hàng riêng của mình và đang lớn mạnh về doanh thu.

54523575_481884659298710_1818093354710204416_n.png

Điện Quang “ngược chiều” so với các thương hiệu Việt vàng son

Được thành lập từ năm 1973, đến năm 1979 Nhà máy bóng đèn Điện Quang đã ra đời trên cơ sở sáp nhập các xí nghiệp đèn điện. Trải qua 45 năm thăng trầm cùng nhiều biến động trong kinh tế Việt, Điện Quang đã ghi danh trở thành một trong những thương hiệu “vang bóng một thời” làm chủ thị trường chiếu sáng Việt. Slogan “Ở đâu có điện, ở đó có điện quang” đã cùng bao thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Đến nay, đúng như thông điệp trên, Điện Quang vẫn là nhà cung cấp thiết bị chiếu sáng lớn bậc nhất cả nước, thương hiệu đã in sâu vào tâm trí người Việt.

Một trong những bước ngoặt khiến Điện Quang “ngược chiều” so với các thương hiệu Việt vàng son đó là công ty được lên kế hoạch cổ phần hoá rất sớm, đưa mọi hoạt động công khai, minh bạch. Năm 2005, Điện Quang được cổ phần hoá, bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên. Đến năm 2008, Điện Quang với mã chứng khoán DQC đã chính thức được niêm yết trên sàn HOSE. Từ đây, mọi hoạt động của công ty đều được công khai, chịu trách nhiệm trước cổ đông, giới chức trách.

Cùng với việc minh bạch về quản trị sau khi lên sàn, Điện Quang đã đột phá trong giai đoạn này. Năm 2008 khi mới lên sàn, doanh thu của công ty chỉ đạt 390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn là 1,6 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2013, Điện Quang bước vào giai đoạn bứt phá khi đạt doanh thu 800 tỷ, lợi nhuận sau thuế vượt 123 tỷ đồng. Năm 2014, lần đầu tiên, Điện Quang gia nhập câu lạc bộ những doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ trên sàn chứng khoán với doanh thu năm lên tới 1.229 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp đôi đạt 242 tỷ đồng. Năm 2015 tiếp tục là năm thành công với doanh thu 1.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 210 tỷ. Năm 2016, lợi nhuận vẫn đạt ở mức 204 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/9, Điện Quang vẫn được thị trường định giá là thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn hoá nghìn tỷ, cụ thể đạt 1.171 tỷ đồng. Hiện Điện Quang đã thành lập Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang chuyên nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chíp Led siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao tại khu Công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, sau thời gian dài dồn sức cho xuất khẩu, bóng đèn Điện Quang đã được phủ sóng nhiều nước trên thế giới. Đến nay, với quy mô thị trường 100 triệu dân và tinh thần yêu hàng Việt của người Việt, ông Hưng nhấn mạnh chiến lược dài hạn của công ty là chiếm lĩnh thị trường trong nước, đẩy lùi hàng Trung Quốc và các sản phẩm kém chất lượng trên thị trường.

Xá xị Chương Dương dưới thời người Thái

Từng được mệnh danh là ‘vua’ nước giải khát Sài Gòn một thời với sản phẩm xá xị Chương Dương, CTCP Nước giải khát Chương Dương (HOSE: SCD) đang trải qua giai đoạn khó khăn về công nghệ lạc hậu, ngân sách tiếp thị yếu, thị trường bị cạnh tranh lớn,…

Đỉnh điểm của sự xuống dốc là năm 2017, SCD lỗ 3 tỷ và là năm thua lỗ đầu tiên sau hơn một thập niên kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty, ngoài việc doanh thu sụt giảm do kinh doanh bị thu hẹp thì chi phí phải bỏ ra để duy trì kênh bán hàng, đại lý… không giảm nhiều đã khiến kết quả kinh doanh lao dốc.

Tuy nhiên, SCD đã bắt đầu có những động thái tái cấu trúc và tín hiệu khả quan hơn trong kinh doanh. Tình hình kinh doanh trong quý II/2018 có sự khởi sắc khi ngắt mạch lỗ bốn quý liên tiếp; doanh thu tăng 25% trong khi lợi nhuận quý II đạt 1 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ gần 8 tỷ cùng kỳ năm trước.

Sự hiệu quả bước đầu của Chương Dương đến từ việc quản trị chi phí bán hàng hiệu quả hơn, nhất là sau khi ông chủ mới của Sabeco (Thaibev) có những động thái can thiệp mạnh hơn vào công ty nước ngọt này.

Cụ thể, Sabeco đã yêu cầu Chương Dương phải chia cổ tức năm 2017 để tạo sức ép tăng trưởng và cũng ngay sau đó nhân sự người Thái (ông Neo Bennet) được bổ nhiệm làm Chủ tịch của SCD. Với kinh nghiệm về rượu và nước giải khát của Thaibev tại Đông Nam Á, nhà đầu tư kỳ vọng Xá xị Chương Dương sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định các doanh nghiệp vang bóng một thời gần như có một điểm chung: Nổi tiếng sớm ở thời điểm một mình một chợ, khi chưa có nhiều sức ép cạnh tranh mạnh từ đối thủ ngoại. Khi Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa thì các công ty lại không linh hoạt trong chiến lược kinh doanh.

Điều này cũng có nghĩa là các thương hiệu dù có nổi tiếng đến mấy cũng có thể “chết” nếu không chịu vận động theo sự đổi mới của nền kinh tế, sự hội nhập quốc tế; không phù hợp với cuộc chơi mới kinh tế thị trường, bắt kịp xu hướng người tiêu dùng để đứng vững và vươn lên.

Mỗi thương hiệu được sinh ra đều có sứ mệnh của mình trong dòng chảy phát triển. Các doanh nghiệp dược vì sức khoẻ người Việt. Doanh nghiệp sữa vì sức vóc người Việt… Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp không đơn thuần chỉ vì chính nó, mà còn vì cả nền kinh tế và vì lợi ích người tiêu dùng. Thương hiệu của doanh nghiệp không phải chỉ có ý nghĩa với cổ đông – những người chủ doanh nghiệp đó, mà nó có ý nghĩa với sự phát triển quốc gia, niềm tự hào dân tộc. Như vậy, rõ ràng tương lai xây dựng và giữ gìn thương hiệu Việt sẽ là một cuộc chiến thực sự không đơn giản, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu và rộng.

Media99 tổng hợp
Ảnh: internet

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s