Trợ cấp thất nghiệp : Nước Pháp quá hào phóng ?


Ủy Ban Châu Âu đã xếp Pháp vào danh sách “học sinh cá biệt” vì cả tỉ lệ thất nghiệp và nợ công đều quá cao. Theo số liệu của Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp công bố ngày 14/02/2019, tỉ lệ thất nghiệp của Pháp vào quý 4 năm 2018 là 8,8% (trên tổng số người trong độ tuổi lao động). Tổng cộng, có khoảng 2,5 triệu người Pháp trong cảnh thất nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều người liên hệ hai điểm yếu của Pháp và đặt câu hỏi liệu có phải “Nước Pháp quá hào phóng với người thất nghiệp?”

Cứ thất nghiệp là được nhận trợ cấp?

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên người ta nói đến một “chế độ trợ cấp thất nghiệp quá hào phóng”của Pháp.

Trên thực tế, không phải cứ thất nghiệp là được hưởng trợ cấp. Nguyên tắc cơ bản tại Pháp là “làm việc một ngày thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp một ngày”, với điều kiện đã làm việc ít nhất 4 tháng trước khi phải nghỉ việc. Nếu một người làm việc 4 tháng thì được quyền hưởng 4 tháng trợ cấp thất nghiệp. Nếu làm việc 1 năm thì được hưởng một năm trợ cấp.

Nhà xã hội học Claire Vives, thuộc cơ quan nghiên cứu về Lịch sử kinh tế và xã hội IDHES, đồng thời là nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu về việc làm và lao động, ngày 19/02/2019 khi giải thích trên đài France Culture, đã quả quyết : “Không, chúng ta không thể nói là Pháp quá hào phóng với người thất nghiệp. Hiện giờ, chỉ có chưa đến một nửa số người thất nghiệp được hưởng trợ cấp. Số tiền trợ cấp trung bình là 950 euro/tháng, điều có cũng có nghĩa là 50% số người thất nghiệp được nhận dưới 950 euro tháng.”

Xét về tiêu chí này, báo Le Figaro nhận định Pháp “nhẹ tay” hơn nhiều nước láng giềng châu Âu, chẳng hạn tại Đức, phải làm việc ít nhất 2 năm mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa một năm. Thế nhưng, do có nhiều tiêu chí khác nữa để xét duyệt trợ cấp thất nghiệp, chẳng hạn liên quan đến lý do tự ý nghỉ việc hay bị sa thải, sức khỏe, … nên theo thống kê, hiện chỉ khoảng 50% số người thất nghiệp tại Pháp được nhận trợ cấp.

Về mặt lý thuyết, thời gian hưởng trợ cấp tối đa là 2 năm đối với người dưới 53 tuổi, 2,5 năm cho người 53-55 tuổi và không quá 3 năm nếu trên 55 tuổi. Thời gian trợ cấp thấp nghiệp của Pháp như vậy là khá dài. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Castaner gọi hai năm người thất nghiệp được hưởng trợ cấp là “hai năm nghỉ phép được Nhà nước trả tiền”.

Đúng là thời gian trợ cấp trung bình 2 năm, dài gấp đôi thời gian trợ cấp thất nghiệp tại Đức (1 năm) và dài gấp 4 lần so với Anh Quốc (6 tháng). Tuy nhiên, Pháp không phải là nước duy nhất như vậy. Thời gian trợ cấp thất nghiệp tại Hà Lan còn lâu gấp rưỡi của Pháp (3 năm). Còn tại Bỉ, sau 2 năm trợ cấp luỹ thoái, người thất nghiệp lại được hưởng thêm chế độ trợ cấp khác, về cơ bản là vô thời hạn.

Mức trợ cấp thất nghiệp

Về trợ cấp thất nghiệp, tại Pháp, có bốn cấp độ dựa theo lương trước khi khấu trừ các khoản đóng góp xã hội. Chẳng hạn, nếu lương của một người trước khấu trừ là dưới 1.143 euro/tháng thì mức trợ cấp thất nghiệp/ngày bằng 75% một ngày lương, nếu lương là từ 2.118 đến 12.516 euro/tháng thì trợ cấp mỗi ngày bằng 57% một ngày lương.

Tính trung bình, trợ cấp thất nghiệp dao động trong khoảng 57-75% mức lương của những tháng trước khi mất việc. Tỉ lệ này là 67% tại Đức, 68% tại Bỉ, 88% tại Luxembourg. Đan Mạch là nước vô địch châu Âu với mức 90%. Anh Quốc quy định trợ cấp thất nghiệp cố định trung bình khoảng 350 euro/tháng, nhưng lại có nhiều khoản hỗ trợ khác bù lại.

Một trong những lý do chính để người ta quy kết Pháp quá hào phóng chính là mức trần trợ cấp cho các công chức cao cấp : khoảng 6.300 euro/tháng, cao gấp 5 lần mức lương tháng tối thiểu của một người làm công ăn lương tại Pháp và cao hơn khoảng 3 lần so với mức trần trợ cấp tại Đan Mạch và Đức. Ở châu Âu, chỉ có Cộng Hòa Ailen là không hạn chế mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, số người được hưởng đặc quyền này tại Pháp không nhiều : chưa đến 1.500 người. Ngoài ra, những người này thường hiếm khi mất việc và nếu có thất nghiệp thì họ cũng rất nhanh chóng tìm được việc làm mới, nên thời gian hưởng trợ cấp không kéo dài. Thêm vào đó, như nhà xã hội Claires Vives giải thích, đó là những người đã được trả lương cao, tức là mức đóng góp xã hội của họ cũng cao hơn những người khác rất nhiều. Nếu giảm mức trợ cấp cho họ, thì cũng phải quy định lại về mức trần đóng góp xã hội của nhóm người này. Và theo nhà nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu về Lịch sử kinh tế và xã hội IDHES, điều này không có lợi cho ngân sách Nhà nước.

Một lý do khác khiến nhiều người nghĩ rằng chính sách trợ cấp thất nghiệp của Pháp quá “hào phóng” là do trợ cấp của Pháp hiện không mang tính “luỹ thoái”, tức là không giảm dần theo thời gian. Do mức trợ cấp thất nghiệp không bị giảm dần theo thời gian, nên càng đến cuối giai đoạn được trợ cấp, thì người dân Pháp càng được hưởng lợi thế nhiều hơn ở các nước khác. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng có nhiều nước châu Âu khác cũng làm như Pháp (Luxembourg, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy). Chỉ có một số nước áp dụng quy định trợ cấp giảm dần, chẳng hạn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hồi tháng 02/2019 nói đến khả năng áp dụng biện pháp trên để thúc đẩy người thất nghiệp tích cực tìm việc mới nhưng chưa nhận được sự ủng hộ từ số đông.

 

“Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình”

Bà Isabelle Grandgérard-Rance, phó giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý của UNEDIC, Cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp của Pháp giải thích với báo Le Figaro là nếu xem xét tổng thể nhiều yếu tố, đặc biệt khi phân tích các quy định và đặc thù của mỗi nước, thì theo bà Grandgérard-Rance, Pháp chỉ đứng ở mức trung bình so với các nước châu Âu khác.

Thực ra, so sánh mức độ hào phóng của chế độ trợ cấp thất nghiệp giữa các nước là rất khó, bởi vì mỗi quốc gia có một hệ thống riêng, với những đặc thù riêng.

Cho dù có thực sự “hào phóng” hay không “hào phóng” hơn các nước láng giềng khác ở châu Âu đối với người thất nghiệp, thì hiện giờ chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron cũng đang phải khẩn trương tìm ra giải pháp để khắc phục tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất châu Âu, đồng thời giảm mức thâm hụt ngân sách hiện cũng đang bị đánh giá là “cao ngất ngưởng” : 76,1 tỉ euro vào năm 2018 (3% PIB), trong khi tỉ lệ thâm hụt ngân sách trung bình của các nước thành viên Liên Âu chỉ là dưới 1%, Đức thậm chí còn đạt thặng dư ngân sách ở mức cao kỷ lục : 58 tỷ euro (1,7% PIB).

Media99 tổng hợp lại, nguồn: RFI

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s