Nhân ngày báo chí Việt Nam 21/06, Media99 giới thiệu đến các bạn vài thông tin quý, hiếm về một số tờ báo của người Việt Nam tại Pháp từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay.
Chỉ trong thời gian 1919-1939 là thời kỳ mở đầu cho sự hình thành cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã có hàng chục tờ báo của người Việt thực hiện: có báo của thủy thủ, học sinh-sinh viên, người lao động-tiểu thương, nhất là báo của công chiến binh Việt Nam tại Pháp rất quy củ và trình bày đẹp. Sau này, có thêm các tờ báo khác của giới Phật tử, công nhân, các hội đồng hương,… đặc biệt là tờ Đoàn Kết từ năm 1968, tiếp nối tinh thần tờ Le Paria, đến nay vẫn còn tồn tại và phát hành, có thể được xem là tờ báo lâu đời nhất của người Việt Nam tại Pháp với những bài viết thú vị hướng về văn hóa Việt-Pháp và thông tin cuộc sống tại Pháp (hiện vẫn được bán tại siêu thị Thanh Bình Jeune).
Thông tin và danh sách vài tờ báo sau trích từ quyển “Một thế kỷ – Một con đường (1919-2019)” do Hội người Việt Nam tại Pháp vừa phát hành.
Link mua sách: https://www.billetweb.fr/phi-u-ng-h-t-mua-s-ch-bon-de-souscription#description
BÁO CHÍ & NGƯỜI VIỆT TẠI PHÁP THỜI KỲ 1919-1939:
* Le Paria (Người cùng khổ) bằng tiếng Pháp, số đầu tiên ra đời tháng 04/1922 đến tháng 10/1925 thì bị đình bản, khoảng 38 số. Tờ Le Paria ra 4 trang, có lúc 2 trang, khổ rộng 42cm x 58cm, in ty-pô trên giấy tốt. Số đầu tiên ra mắt có đăng lời giới thiệu tôn chỉ, mục đích: tập hợp “Những người cùng khổ” không phân biệt màu da bị chế độ thực dân áp bức, bóc lột, kêu gọi họ đoàn kết, giúp nhau đấu tranh đòi quyền bình đẳng, tự do cho dân tộc mình. Trụ sở tại ngôi nhà số 16, phố Jacques Callot, quận 6 Paris, đây cũng là nơi sinh hoạt của Hội Liên hiệp thuộc địa.
* Việt Nam hồn, sau đổi tên thành Hồn Nam Việt, cơ quan ngôn luận của sinh viên, công nhân Việt Nam tại Pháp.
* Phục Quốc bằng ba thứ tiếng Pháp, Hoa, Việt, nội dung nói lên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam ra hai số thì bị Bộ Nội vụ Pháp cấm.
* L’Âme annamite, sau đổi thành La Nation annamite, là báo của Đảng Việt Nam Độc Lập (Parti Annamite pour l’Indépendance, 1927-1929) của Nguyễn Thế Truyền, ra được 5 số (từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1927) thì bị đình bản. Đến năm 1928, Lao Nông, ra đời, kế tục báo l’Âme annamite và La Nation annamite, xuất bản bằng tiếng Việt từ tháng 05/1928 đến tháng 06/1930, phát hành được khoảng mười bốn số vừa công khai, vừa bí mật.
* L’Annam scolaire, cơ quan của thanh niên Việt Nam tại Aix-en-Provence ra được sáu số trong năm 1927.
* L’Étudiant indochinois, kế tục tờ l’Annam scolaire, phát hành được sáu số từ tháng 02/1928 đến tháng 10/1928.
* Le journal des étudiants annamites chỉ sống được một năm (1927-1928).
* L’Annam de demain, cơ quan của thanh niên Việt Nam tại Toulouse, xuất bản được bốn số trong năm 1928.
* L’Étudiant indochinois, kế tục báo l’Annam scolaire năm 1927 và l’Étudiant indochinois năm 1928, ra được sáu số năm 1929.
* Việt Nam lao động báo xuất bản trong những năm 1929-1930.
* Bạn Hải thuyền (Les Navigateurs) phát hành trong năm 1930.
* Vô Sản, bằng tiếng Việt, do những người Việt Nam trong Đảng Cộng sản Pháp phụ trách, số đầu ra ngày 31/08/1930 và kết thúc tháng 10/1934.
* Công Binh, bằng tiếng Việt, do công chiến binh Việt Nam trong các trại lính tự thực hiện, phát hành từ đầu những năm 1939 cho đến năm 1945.
Hình ảnh của các tờ báo:
…
Nguồn tư liệu: HNVNTP và các cơ quan lưu trữ.
Media99 tổng hợp.
1 Comment