Trong ba ngày 24-25-26 tháng 10/2019, Association Humboldt France & Quỹ văn hóa – di sản Royaumont, sẽ tổ chức 3 ngày hội thảo quốc tế chủ đề “Nghệ thuật và Khoa học” tại Abbaye de Royaumont, với sự hiện diện của Viện hàn lâm khoa học Pháp và của đông đảo các nhà nghiên cứu, giáo sư trong nhiều lĩnh vực đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu danh giá ở Pháp và châu Âu.
Abbaye de Royaumont được xây trong những 1228-1235, được xếp hạng là công trình kiến trúc lịch sử của Pháp từ năm 1927. Đến nay, với lịch sử đã gần 800 năm, hiện là công trình có cảnh quan rộng lớn và đẹp tuyệt vời ở IDF. Trong khung cảnh lịch sử – văn hóa này, hội thảo 3 ngày về Nghệ thuật và Khoa học sẽ được diễn ra quanh với khoảng 30 đề tài trình bày, phần giao lưu, bàn tròn giữa người tham gia với các đại diện, tổ chức giáo dục, quỹ văn hóa,… có uy tín của Pháp và châu Âu.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo – người Việt Nam duy nhất trong ban tổ chức chuyên gia – sẽ dành một số chỗ tham gia sự kiện uy tín này cho những nghiên cứu sinh người Việt Nam đang làm luận án, hoặc những ai đã có bằng tiến sĩ dưới 12 năm. Những người được chọn sẽ được ăn, ở miễn phí tại Abbaye de Royaumont trong suốt thời gian hội thảo, cũng như gặp gỡ, mở rộng kết nối. Giáo sư Nguyễn Quý Đạo cũng sẽ có phần trình bày trước bạn bè nghiên cứu Pháp và quốc tế về Dân ca quan họ – một trong di sản của Việt Nam đã được Unesco xếp hạng cách đây tròn 10 năm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nội dung giới thiệu cụ thể sẽ về hát giao duyên ở hội Lim.
Liên lạc qua email: nqdao37@gmail.com. Thời hạn cuối: ngày 10/8/2019.
Đây là một cơ hội quý giá cho những ai trong lĩnh vực nghiên cứu bậc cao tại Pháp để mở rộng trao đổi và trải nghiệm hội thảo quốc tế.
Thông tin về GS Nguyễn Quý Đạo – trích từ quyển sách “Một thế kỷ – Một con đường (1919-2019)” do Hội người Việt Nam tại Pháp phát hành tháng 6/2019:
Sau khi đỗ Tú tài toàn phần chuyên Toán hạng ưu, ông đã được nhận vào học dự bị thi tuyển của các trường lớn tại trường Louis le Grand để rồi sau đó, thi đỗ vào Đại học Centrale Paris (ECP), trường đứng đầu về đào tạo kỹ sư của Pháp, đồng thời theo học thêm để lấy bằng Cử nhân Vật lí tại Đại học Sorbonne. Ông nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Quốc gia Vật lí ở Đại học Paris Pierre et Marie Curie (Paris VI) năm 1967 và trở thành Giáo sư tại ECP và Giáo sư trách nhiệm của bằng Cao học về Quang phổ học của 3 Đại học ECP, Paris VI và Đại học Nông nghiệp Paris. Đồng thời, ông là Giám đốc cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Giám đốc Phòng thí nghiệm Hóa lý của ECP.
Đến năm 1997, ông được giao trách nhiệm thành lập Văn phòng Đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp vùng Đông Nam Á tại Hà Nội, và là vị Giám đốc đầu tiên. Ông còn là Tổng biên tập Tạp chí Analusis, một tạp chí quốc tế về hóa phân tích của Pháp phát hành phổ biến trên thế giới.
Thành tựu khoa học nổi bật của ông là hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và báo cáo tại các hội nghị quốc tế, 5 cuốn sách, 3 bằng sáng chế. Ông đã hướng dẫn 45 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, trong đó có 10 tiến sĩ Việt Nam.
Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cho Việt nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước những vũ khí mới của Mỹ dùng ở Việt Nam, ông đã âm thầm thu thập tài liệu tìm hiểu về sự di chuyển của mảnh bom bi vốn ở dạng chất dẻo rất khó phát hiện khi lọt vào cơ thể con người, từ đó tìm ra phương pháp phát hiện nhanh chóng các mảnh bom bi ấy nhằm cứu bệnh nhân hiệu quả hơn. Thông qua Hội người Việt Nam tại Pháp, ông đã gửi về Việt Nam các tài liệu này.
Sau 1975, ông thường xuyên trở về Việt Nam hợp tác với các nhà khoa học trong nước. Ngay trên những đề tài nghiên cứu của riêng mình, ông đã dành một phần thời gian để nghiên cứu về những đề tài đặc trưng có ích lợi cho đất nước. Ông đã nghiên cứu và phát minh ra những khả năng mới cho phương pháp quang phổ Raman, một phương pháp phân tích hóa lí rất chính xác và đa năng, rồi giản dị hóa máy Raman để có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và trong công nghệ như công nghệ hóa dầu, dược phẩm, thực phẩm và giải phẫu Y học và ngay cho cả những vật tư của đời sống hàng ngày.
Ông là người luôn luôn tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục, đào tạo nhân lực, những trăn trở của ông đều hướng về những thế hệ trí thức trẻ Việt Nam. Ông đã nhận hơn 50 thực tập sinh của các Viện nghiên cứu Việt Nam trong thời gian ông là Giám đốc phòng thí nghiệm Lí hóa ở ECP. Ông cũng là người đã theo đuổi bền bỉ và thực hiện kết nối thành công giữa 3 Đại học Bách khoa ở Việt Nam và Đại học Xây dựng Hà Nội với 10 Đại học đào tạo Kĩ sư ở Pháp, từ đó lập ra Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp từ năm 1997 với nhiều khóa sinh viên Việt Nam được cấp học bổng của chính phủ Pháp và Việt Nam đi Pháp du học. Trung tâm Dịch vụ Phân tích và Thí nghiệm tại Tp. Hồ Chí Minh cũng do ông khởi xướng thành lập.
Ông đã được chính phủ Việt Nam cử làm Phó chủ tịch Ủy ban thành lập Đại học Quốc gia Tp. HCM và cũng là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương khóa VII.
Những đóng góp hữu ích, tích cực cho cộng đồng Việt Nam tại Pháp :
Nhiều năm liền, ông tham gia vào các hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp. Ông là Chủ tịch Ban Tư vấn Việt Nam tại Pháp (CFCV). Ông đã cho xuất bản cuốn sách song ngữ Việt-Pháp về sự hợp tác khoa học và đại học giữa Pháp và Việt nam từ năm 1975 đến 2015. Hiện nay, ông là thành viên của Ban Biên tập tập san « Đoàn kết » (Tờ báo của Hội người Việt Nam tại Pháp), chuyên về mục Các bài nghiên cứu khoa học.
GS. Nguyễn Quý Đạo đã từng là « Giáo sư bay » tại Đức, Hà Lan, Ba Lan, Hoa kì, Anh quốc, Việt Nam, Trung quốc, Colombi, Canada, Tunisi, Ai Cập và đã được trao tặng một số giải thưởng và Huy chương tiêu biểu :
- Giải nhất của Hội Hóa học Pháp;
- Giải thưởng sáng tạo của ANVAR (tạm dịch Ủy ban Đánh giá Khoa học Quốc gia Pháp) đồng thời triển lãm phát minh trên ở Viện Bảo tàng Khoa học và Kĩ thuật Pháp La Villette trong 2 tuần nhân dịp Lễ khai trương Bảo tàng;
- Giải thưởng NATO về công trình nghiên cứu chung với GS E.O. Fischer (người đạt giải Nobel Hóa học 1975);
- Giải thưởng đặc biệt « Dụng cụ đo lường » do Hội Hóa học và Hội Vật lý Pháp đồng trao tặng;
- Huy chương Đại học Centrale Paris.
Về phía Việt Nam, Huy chương Hữu nghị do Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng; Huy chương danh dự của Tp. HCM; Huy chương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và là một trong 15 người đoạt Danh hiệu Vinh danh nước Việt năm 2005.