Câu chuyện về môn Đá cầu tại Pháp & tuyển thủ Alice Trang Nguyễn:”Cố lên, đến nơi rồi !”


Năm 2019, Giải đá cầu thế giới lần thứ 10 lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp. So với nhiều bộ môn thể thao khác, trong tâm trí của nhiều người, môn đá cầu vẫn là được xem là nhẹ nhàng và ít hoành tráng hơn, bởi vì đa số đều nghĩ đây là một hoạt động thể thao mang tính dân gian và phổ biến hơn là một bộ môn thi đấu. Tuy nhiên, từ giai đoạn “dân gian” ấy đến thực tế hội nhập hiện tại, môn đá cầu đã lên thành đẳng cấp thế giới với những kỹ năng và tiêu chí thi đấu đặc trưng của mình; do vậy, những ai đã từng chơi đá cầu hồi thơ bé, giờ đây có thể tự hào về kỷ niệm ấy khi nhận ra môn đá cầu đã thật sự trưởng thành và có vị trí trên bản đồ thể thao của thế giới.

Khác với độ phổ biến quen thuộc ở Việt nam, ở những lãnh thổ nước ngoài, môn đá cầu có những hành trình phát triển riêng với nhiều câu chuyện ít ai biết để có vị trí như ngày hôm nay.

Cùng với việc đăng cai tổ chức Giải đá cầu thế giới năm nay tại Pháp là sự công nhận chính thức của Liên đoàn cầu môn thế giới đối với Liên đoàn đá cầu Pháp nói riêng và đối với sự phát triển của môn đá cầu tại khắp nước Pháp nói chung.

Môn đá cầu chắc chắn sẽ đặc biệt hơn nếu bạn biết rằng người Việt Nam là một trong những người đã tạo ra môn đá cầu tại Pháp, và hiện nay, đội tuyển quốc gia Việt Nam đang là vô địch thế giới bộ môn này.

Câu chuyện về môn đá cầu tại Pháp sẽ tái hiện lại phần nào qua lời kể của Alice Trang Nguyễn – thành viên ban tổ chức Giải đá cầu thế giới 2019 và cũng là một trong những người tạo lập ra hoạt động đá cầu tại Pháp.

***

Ở Việt Nam, đá cầu là một hoạt động quần chúng và phổ biến từ đồng quê đến thành thị, nhắc đến đá cầu là nói đến một thói quen, một hình ảnh quen thuộc. Nhưng để đưa đá cầu ra ngoài biên giới đất nước và “sống” được trên một lãnh thổ khác, bao nhiêu người có thể hình dung ra được sự nỗ lực dường nào để không chỉ giới thiệu một hoạt động thể thao tập thể mà còn đưa nó phát triển thành môn thể thao chính quy, bài bản tại một đất nước có nhiều điều khác hẳn về văn hóa và thói quen xã hội.

Môn đá cầu tại Pháp là một chặng đường dài và phát triển hơn 15 năm nay với nhiều công sức, nỗ lực của từng cá nhân những người yêu môn thể thao này.

Tôi không thể kể ra hết những công sức của các bạn Pháp, từ những ngày đầu chỉ có 3-5 người chơi, cho đến hôm nay là cả một tổ chức với 200 người chơi ở 5 câu lạc bộ phía Bắc và Nam nước Pháp.

Nếu nói về thâm niên, câu lạc bộ đá cầu ở Marseille là lâu đời nhất, hiện nay người dẫn đầu là Anthony. Bố của Anthony là François Nguyễn – người đã lập câu lạc bộ đá cầu từ những năm 90 và bền bỉ « nuôi dưỡng » hoạt động của câu lạc bộ với đứa con trai của mình. Ông đã đặt tên « plumfoot » cho đá cầu vào năm 1993.

Năm 2002, ở Paris cũng có một câu lạc đá cầu được thành lập, tôi và những người bạn đã từng bước hình thành những bước cơ bản cũng như tạo ra nơi tập luyện để giới thiệu đến các bạn bè Pháp, nhưng lúc ấy không hề biết có một câu lạc bộ ở Marseille.

Mãi đến năm 2007, nhờ internet mà 2 câu lạc bộ đã tìm thấy thông tin về nhau. Sau những buổi gặp, hai câu lạc bộ đã hợp sức cùng nhau tạo sức mạnh chung cho môn đá cầu tại Pháp. Liên đoàn đá cầu của Pháp ra đời, lấy một cái tên dễ đọc, dễ nhớ là France Plumfoot. Từ đó, Yokho, Francois và sau này là Ayman, là những chủ tịch liên đoàn, họ là những thuyền trưởng lái con tàu « France Plumfoot » đi xa hơn nữa trong hành trình của mình.

Nhiều thế hệ vận động viên đã qua, từ Francois, Yokho, Anthony đến thế hệ Ayman, Xavier, Alex, Nicolas, David, Frederic … rồi thế hệ trẻ hiện như Etienne, Jérémy, Charlie, Justine, Laeticia, Laurent, Yanis …

Photo France Plumfoot.

Không chỉ tập luyện thể thao, thế hệ trẻ còn giỏi về tổ chức sự kiện với Kevin, Thomas, Etienne, June, Toki, Theotim, etc. Thêm vào đó là sự đóng góp của các bạn người Việt nhất là Hương và Quang, luôn tích cực tham gia, đứng sau cổ vũ hết mình cho các vận động viên gốc Việt trong các giải, đại diện cho France Plumfoot trong các phong trào giới thiệu môn thể thao này, rồi các bạn Bình và Trung vốn là những vận động viên đá cầu ngày trước, cũng giúp nâng trình độ lên cao cho cả đội. Tất cả đều có điểm chung là cứ chạm quả cầu là cứ như có thuốc ghiền ấy 🙂

Tôi đã chứng kiến những lúc đầu các bạn Pháp chơi từ tâng quả cầu không xong, đến lúc chứng tỏ được trình độ cao, cảm giác đồng hành đó thật vui biết bao!

Sự khác biệt với cách dạy ở châu Á là các bạn Pháp không thích gò bó khuôn khổ. Người thì thích học tấn công trước khi học cơ bản, người thì chưa bao giờ biết thể thao là gì, người thì chơi đủ các môn thể thao, nên thi thoảng ghé một tí để tập luyện. Họ quan tâm học hỏi những kỹ năng mà cá nhân hứng thú, họ vui vẻ và thoải mái khi gặp nhau cùng chơi, chứ không thích lặp đi lặp động tác cơ bản.  Rõ ràng là có sự khác biệt phần nào khi so sánh với câu nói của một vận động viên Việt Nam: «Tụi em tâng cầu đầu buổi tập như đánh răng mỗi ngày ấy chị ạ».

Thế là dạy đá cầu cũng cần thích nghi theo kiểu Pháp. Chúng tôi dạy nhau, không ngừng học hỏi, mỗi lần một bạn có thể thắng tôi thì sẽ đùa với nhau coi như là vừa « tốt nghiệp » vì đã thắng coach. Theo cách nói vui đó, thế hệ trẻ bây giờ đã « tốt nghiệp », không những học thầy, các em còn đi học hỏi ở các nước khác hay video trên mạng và đang nâng dần trình độ lên với mục đích theo đuổi 2 nước vô địch châu Âu là Đức và Hungary.

Photo: Các giải mở rộng Pháp – France Plumfoot.

Khi quan sát các bạn Pháp đến chơi đá cầu, tôi nhận thấy rằng đa số là những bạn có tính cách rất thích sự khám phá, sáng tạo, đã từng đi châu Á. Vì là hoạt động thể thao xã hội, nên mỗi người có thể có nghề riêng (người thì là thầy giáo, người thì làm nhà hàng, người thì xây dựng v.v) không ai trong ngành thể thao từ « trứng nước » cả, nhưng cũng luôn cố gắng đóng góp cho việc tổ chức. Từ thiết kế các mẫu design, cách tính điểm cho giải vô địch quốc gia, quản lý các trận thi đấu trong nước hay mở rộng v.v, đều là tự tìm hiểu rồi đề xuất, lắm lúc cũng sai, nhưng rồi họp nhau lại sửa.

Đá cầu bên Pháp không có tiền thưởng. Những giây phút đáng giá và những kỷ niệm vui của chúng tôi đều không hẳn liên quan đến kết quả xếp hạng, chúng tôi không cần phải quá nghiêm túc, mà trong các giải đấu đều tập trung vào những lúc vui trên sàn đấu, những lúc cùng đi ăn uống sau một ngày thi đấu mệt mỏi, những lúc gặp các bạn nước ngoài nói chuyện mà không cần biết tiếng nước bạn.

Cho đến năm 2019, sau nhiều lần chứng tỏ với làng đá cầu thế giới qua các giải mở rộng Pháp về việc tổ chức, Pháp đăng cai giải thế giới lần đầu tiên!

Trong khi đá cầu ở các nước châu Á đã trở thành chuyên nghiệp thì chúng tôi cần suy nghĩ làm sao tìm ra phương án phù hợp với cấu trúc không chuyên tại Pháp. Chúng tôi lập ra ban tổ chức giải, Thomas là trưởng nhóm, đi Hongkong và Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để dự án này được tốt đẹp, thành công nhất có thể. Vừa đầy hứng khởi vừa «run», mỗi lúc phân ra các phần quản lý như là tài trợ, thông tin, ngân sách, thi đấu v.v, chúng tôi càng thấy thêm nhiều việc, lại động viên nhau thôi đành đi từng bước một.

Những ngày xin công ty nghỉ để đi gặp các nhà tài trợ, những buổi tối họp về đá cầu sau ngày làm việc, các bạn có con rồi phải xin phép vợ rửa bát 1 tuần để được đi thi đấu 1 week-end, những buổi làm thêm cho website hay viết bài, nhiều lắm, kể ra không hết, mỗi người chúng tôi, nếu không có đam mê và không có trách nhiệm sao có thể qua được cho đến giây phút này.

Nỗ lực thôi chưa đủ, trong cuộc sống, chúng ta còn cần may mắn nữa. Trong quá trình tổ chức Giải thi đấu quốc tế, chúng tôi đã được gặp nhiều người Việt (ở Pháp cũng như phía Việt Nam) cùng tham gia vào nhiều khâu : tài trợ, tư vấn, hỗ trợ,… Họ đều có chung một mong muốn là ủng hộ môn thể thao truyền thống đi thật xa hơn nữa, cũng như đem sự năng động của những người Việt tại Pháp hòa vào sự phát triển chung của những điều tốt đẹp. Rồi cuộc gặp gỡ với Hằng (Lien99), sau thời gian cộng tác, chúng tôi phát hiện ra cùng là học trò trường Lê Hồng Phong, bên « văn » bên « võ » , ra trường cùng năm. Hằng hoạt động nhiều trong cộng đồng Việt Nam tại Pháp, là cộng tác rất đắc lực giúp France Plumfoot.

Tôi may mắn có sự ủng hộ của gia đình, bè bạn và các đồng nghiệp. Sếp tôi, dù trong ngành ngân hàng, cũng là dân thể thao nên có nhiều sự đồng cảm, du di cho tôi những khi cần phải tập trung cho việc tổ chức Giải. Các bạn đá cầu thì không gặp nhau trong tuần là nhớ :). Có lần tôi đi về Việt Nam thăm gia đình ở Sài Gòn, cố gắng tận dụng thời gian vốn đã ít ỏi để ra Hà Nội họp và giới thiệu giải thế giới của Pháp. Khi ra sân bay lúc 3-4 giờ sáng, thấy bố mẹ mình lục đục dậy sớm đi cùng, tôi hỏi bố mẹ ra sân bay làm gì, thì bố mẹ nói nói « Con về ít ngày nên đi với con được lúc nào thì bố mẹ phải tận dụng chứ? » Tôi … không biết nói gì …

Bị chấn thương từ đầu năm nay, cả 3 bác sĩ đều bảo tôi là không nên đá cầu nữa. Người bác sĩ thứ 3 còn nói đùa với tôi «Cô có muốn nghe một lời chẩn đoán khác nữa không?», tôi hiểu là cho đến lúc ấy, họ đã cố gắng đưa ra lời khuyên một cách nhẹ nhàng và dễ nghe nhất về tình trạng chấn thương thật sự.

Nhưng ước mơ được tham gia Giải quá lớn, đây là một dấu mốc quan trọng không những của hoạt động đá cầu tại Pháp, mà còn của chính bản thân tôi suốt 15 năm qua lăn lộn mọi thời gian và khả năng của mình. Tôi năn nỉ xin các bác sĩ giúp mình một giải pháp tạm thời để đá lần cuối cùng giải thế giới … dù chỉ một ngày …

Một hành trình dài khởi đầu bằng bước chân đầu tiên. Khi một người bước với nỗ lực, ta có thể tạo ra được con đường của mình. Khi nhiều người cùng bước với nhiều nỗ lực, chúng tôi đã tạo ra con đường của đá cầu tại Pháp.  Những người đi trước, những đồng đội, những người bạn quốc tế và Việt Nam mà tôi đã được gặp trên hành trình ấy, họ đều tuyệt vời và tự hào khi đến với đá cầu.

Cho đến hiện tại, còn 1 tháng trước Giải đấu đá cầu thế giới 2019 lần đầu tổ chức tại Pháp chứng thực cho kết quả nỗ lực của một tập thể, tôi mỉm cười và thở phào khi cảm thấy đã góp sức nhỏ của mình để phát triển một môn thể thao của Việt Nam, một niềm đam mê của chính mình ở quê hương thứ hai – nước Pháp. Tôi thật sự hạnh phúc!

Đá cầu ơi, Plumfoot ơi, chúng ta sắp đến nơi rồi ! Nơi gặp gỡ của tổ chức đá cầu Pháp trên tầm thế giới …

***

Sự kiện Giải đá cầu thế giới 2019 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 8/2019 tại thành phố Eaubonne (cách Paris 20 phút đi tàu).

Thông tin và đăng ký vé (miễn phí nhưng cần đăng ký vì số lượng chỗ khán đài có hạn) trên trang web:

https://www.worldcup2019.franceplumfoot.fr/

Advertisement

1 Comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s