Paris năm ấy.
Paris tinh mơ.
Paris phảng phất mùi bánh sừng bò, mùi bánh mì nướng vừa ra lò thơm nứt từ tiệm bánh mì đang chuẩn bị những mẻ bánh đầu tiên cho những khách hàng ban sớm.
Rue Miollis, quận 15 Paris. Sáu giờ sáng mùa đông trời lạnh và còn tối đen lắm. Hàng trăm con người còn ngái ngủ như tôi đứng xếp hàng từ sớm để hi vọng được vào bên trong tòa nhà chuyên thụ lý hồ sơ xin visa dành cho sinh viên Paris. Chúng tôi đến từ khắp nơi trên thế giới. Để được cư trú tại Pháp, chúng tôi cần tờ giấy màu hồng xinh xinh dán vào passport của mình. Hằng năm đến hẹn lại lên chúng tôi rồng rắn xếp hàng dài để có được mẩu giấy này. Tôi cũng như nhiều sinh viên khác, phải bỏ học cả ngày để hi vọng được vào bên trong, được lấy phiếu, được gọi tên, được thụ lý hồ sơ, và nếu hồ sơ đầy đủ, được dán miếng giấy hồng hồng chứng nhận chúng tôi được quyền học tập và làm thêm tại Pháp. Không biết tôi đã bỏ học bao nhiêu lần, đã nhờ bao nhiêu người bạn đứng xếp hàng thay chỗ để đến lớp rồi chạy về cho kịp. Chúng tôi đã hỗ trợ nhau như vậy, bạn bè chúng tôi gọi vui nhau là “Cục gạch”. Trên những con đường quốc lộ Việt Nam những cục gạch có vẻ vô hồn đều có chủ, đó là dấu hiệu ở đó có bán xăng và chỉ cần dừng lại chủ nhà sẽ chạy ra. Tại Pháp, mỗi người chúng tôi là một “cục gạch di động”.
Hôm nay cũng là lần thứ n tôi đứng đợi giữa trời mùa đông. Đứng yên một chỗ thường đã rất mỏi chân. Đứng yên một chỗ giữa mùa đông lạnh giá thì khủng khiếp. Cái cảm giác buốt giá dần dần thấm vào cơ thể da bọc xương của tôi. Cái áo manteau dày và nặng cũng không cách gì làm tôi ấm hơn. Hai bàn tay dầu mang găng ấm vẫn buốt. Chân đơ cứng phải chạy giậm chân tại chỗ cho đỡ đông máu và đỡ tê, hai tay luôn đưa lên miệng hít hà để bớt lạnh. Người trước nói chuyện với người sau thì hơi thở ra khói như hút thuốc lá.
Hàng người dài nhích nhọc nhằn từng bước một. Năm ấy số lượng sinh viên nhiều quá hoặc do nhân viên không đủ nên chúng tôi không cách gì lọt vào bên trong. Sau nhiều giờ liền đứng đợi, tôi đã nhích được đến cửa. Tưởng chừng đã đến được đích thì cảnh sát không cho vào với lí do hết giờ làm việc. Đồng hồ lúc đó là 16h chiều. Tôi tím tái và gồng lên cãi với thứ tiếng Pháp đầy phát âm Việt Nam rằng chưa đến giờ đóng cửa hành chính tại sao lại không cho tôi vào. Một số bạn sinh viên đã bất mãn chửi bới thô tục cảnh sát và bị còng tay ngay lập tức. Người ta mặt sức giải thích rằng bên trong số lượng người đợi rất nhiều và thời gian thụ lý tất cả hồ sơ thì sẽ quá giờ hành chính. Rồi người ta hẹn ngày mai lại đến xếp hàng đầu giờ.
Vừa tủi thân vừa điên cuồng vì tôi không thể nghỉ học nhiều ngày liền. Có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ, rồi tôi bật khóc trước mặt cảnh sát, nước mắt giàn dụa không cách gì kiềm được. Tại sao tôi lại phải một thân một mình làm những thứ giấy tờ hành chính quái gở này, tại sao lại có thể có một cách tổ chức kém đến vậy, tại sao, tại sao ? Tôi và những sinh viên xếp hàng đồng cảnh ngộ như nổi điên nhưng chúng tôi vẫn phải lui thủi ra về với hai bàn tay trắng.
Ngày hôm sau đúng hẹn lại lên, chúng tôi lại có mặt xếp hàng từ sớm tinh mơ. Tôi bắt gặp vài cái lều của những sinh viên quyết định ngủ qua đêm trước cửa trung tâm để có thể được vào đầu giờ. Mùi bánh sừng bò nướng vẫn phảng phất đâu đây, nhưng sáng hôm đó đối với tôi nó không còn mang hương thơm ngát mà chứa hương vị đắng ngắt của cuộc đời.
Lần này trong chúng tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng đấu tranh kiến nghị. Một bạn sinh viên gốc người nước gì tôi không nhớ, chỉ biết học ngành luật, đã đề ra ý tưởng chúng ta phải kiến nghị thì mới thay đổi được cách làm việc quan liêu này. Nhiều người trong chúng tôi rất sợ bị truy tung tích rồi ảnh hưởng đến hồ sơ. Người bạn đi cùng tôi khuyên tụi mình từ Việt Nam qua nên an phận. Tôi đã do dự một phút. Và rồi tôi đã ký vào giấy kiến nghị đó bởi những gì xảy ra ngày hôm trước làm tôi quá bất mãn. Chúng tôi nhanh chóng chuyền tay nhau tờ giấy A4 để viết tên và chữ ký của mình vào. Tờ giấy nhanh chóng được lấp đầy chữ ký và nhiều tờ giấy trắng như vậy đã được phân phát và điền kín chỗ.
Không biết đơn kiến nghị của chúng tôi đã được gửi đi như thế nào bởi bạn sinh viên đứng ra vận động đã tự làm hết. Và vào thời điểm đó e-mail và mạng truyền thông cũng không phổ biến như bây giờ để chúng tôi cùng chia sẻ và nắm thông tin. Chỉ biết một hai năm sau đó, để làm giấy tờ xin gia hạn thì lấy hẹn trực tiếp trên trang web của Bộ nội vụ và định ngày giờ cụ thể. Chúng tôi chỉ cần lấy hẹn rồi xếp hàng đến giờ là được vào. Việc xếp hàng cũng không dài rồng rắn như ngày trước. Chúng tôi thoát cảnh đứng chờ như những con dã tràng xe cát.
Trung tâm thụ lý hồ sơ cư trú sinh viên Paris cũng dời đi nơi khác vì quá tải. Những trung tâm mới được xây dựng để giải quyết vấn đề giấy tờ hành chính như tòa nhà tại Boulevard Ney, quận 18.
Những việc ngày nay chúng ta tưởng chừng như lẽ dĩ nhiên nhưng là cả một quá trình đấu tranh, phản đối của những người đi trước. Ở đất nước này tôi học được thói quen biết phê bình phản đối, biết mở miệng nói ra những gì mình không đồng ý, chỉ cần bạn làm việc đó một cách văn minh.

A.H
Bài viết chia sẻ cùng Cuộc thi viết “NƯỚC PHÁP – HÀNH TRÌNH VÀ CẢM NHẬN”, không phải bài dự thi.
Photo đầu bài: Sở Cảnh sát ở bờ sông Seine.
Par User:Thbz — Travail personnel, CC BY-SA 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=727070