Nói đến những người Việt Nam thành công tại Pháp, về ngành khoa học, phải nói đến Giáo sư Nguyễn Quý Đạo với nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp khoa học và uy tín rất cao tại Pháp. Hơn 60 năm sinh sống, học tập, làm việc tại Pháp, ông luôn miệt mài giới thiệu, đóng góp vào việc kết nối hai đất nước Việt-Pháp, và tìm cách quảng bá cho văn hóa truyền thống Việt đến bạn bè Pháp và quốc tế.
Nếu gõ google “Giáo sư Nguyễn Quý Đạo”, chưa đến 1 giây đã có hàng ngàn kết quả thông tin về ông hiện ra, cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.
Với sự nghiệp khoa học rất thành công, ngoài đời, ông rất vui tính và luôn mong muốn ủng hộ cho các hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa tích cực.
Không do dự khi nhận lời tham gia trong Ban Giám khảo của cuộc thi viết « Nước Pháp – Hành trình và Cảm nhận », ông rất vui và đã có những chia sẻ rất cởi mở trong cuộc trao đổi cùng Media99.
__________________
HÀNH TRÌNH CUỘC ĐỜI – “SỐNG CHO XỨNG ĐÁNG VỚI LƯƠNG TÂM”
Media99: Thưa Giáo sư, cảm ơn ông vì đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn của Media99.
Ấn tượng của tôi qua các lần gặp Giáo sư là nụ cười đôn hậu và năng lượng tích cực, sự tham gia nhiệt tình trong các phong trào của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Với kinh nghiệm sống và hòa nhập tại Pháp, ông có thể chia sẻ về hành trình cuộc sống của mình và cách cân bằng cuộc sống để luôn có được những năng lượng tích cực như vậy không ạ ?
GS Nguyễn Quý Đạo:
Tôi sinh ra tại Hải Phòng. Lúc Cách mạng ngày 19 tháng 8 năm 1945 thành công, tôi lên 7, đi học tại trường tiểu học ở Hải Phòng cạnh nhà. Cho đến khi 10 tuổi thì lên Hà Nội theo học tại trường Chu Văn An. Đến tháng giêng năm 1954, lúc đó vừa 16 tuổi, Bố Mẹ tôi gửi tôi đi Pháp để du học. Sống ở Pháp cho tới nay, lúc tuổi đã quá « cổ lai hi » rất nhiều, nhưng tôi không thể quên được quê hương đất tổ. Tôi nghĩ đây là tính chất của người Việt Nam, ai ai cũng vậy.
Lớn lên trong chiến tranh khi còn ở Việt Nam, nhưng đã sống trong không khí tưng bừng của cuộc giải phóng độc lập nước nhà lúc còn thơ trẻ, thì đó là những ngày tháng không thể nào quên được. Theo tôi, đây là lí do tại sao, bất cứ người Việt nào xa nhà trong những giai đoạn lịch sử này đều mong muốn giúp đỡ trong phạm vi của mình những gì có thể cho đất nước. Tôi rất may mắn vì đã có được những cơ hội để học tập và sau đó hòa nhập trong xã hội Pháp.
Sống là để cố gắng thực hiện một cái gì đó hữu ích cho nhân loại. Tuy nhiên không phải vì vậy mà quên được đất nước, nhất là khi ta ở xa nhà.
Nước Pháp là một nước có nhiều người Việt Nam sinh sống bởi nhiều lý do lịch sử và nay đã có những gia đình sinh sống tại đây đến thế hệ thứ 2, thứ 3. Tuy nhiên, những người gốc Việt Nam vẫn coi mình là người Việt; phong trào cộng đồng ở đây rất mạnh, có nhiều tổ chức văn hóa giáo dục đặc trưng. Năm nay, 2019 chúng tôi kỉ niệm « 100 năm phong trào Việt Kiều tại Pháp » về một chặng đường không thể nào quên. Nhìn những thế hệ đi trước, nhìn những gì nhiều thế hệ đã nỗ lực cho quê hương, tất cả những điều này là lý do để cho mình cần nhớ luôn sống cho xứng đáng với lương tâm.
Media99: Đối với thế hệ trẻ Việt Nam tại Pháp nói riêng và đang sinh sống tại Việt Nam nói chung, có điều gì khiến ông trăn trở? Hay ông có lời tư vấn gì cho các bạn, từ quá trình nghiên cứu và hoạt động khoa học tích cực của mình ?
GS Nguyễn Quý Đạo:
Những thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Cố gắng trau dồi trí tuệ, học hỏi nhiều, lúc nào cũng cởi mở và vui tươi, giúp đỡ lẫn nhau đó là điều tôi mong ước cho các bạn Việt Nam. Cũng không nên bao giờ quên là mình là người Việt Nam tuy là sống ở nước ngoài.
Sống trên đời cũng có nhiều giai đoạn. Lúc còn trẻ thơ là lúc ta có dịp để học hỏi. Lúc đã thành tài là lúc ta bắt đầu có khả năng phát triển sức lực của mình. Phải cố gắng « làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ ». Lúc nào làm việc đều phải cố gắng làm cho hết mình, để lương tâm không trách móc. Không nên nản chí. Bây giờ, làm việc không còn là công việc của cá nhân mà là của cả một tập thể. Phải có tinh thần hợp tác, làm việc chung. Và một điều tối quan trọng là cần giữ gìn sức khỏe, sống một đời sống an bình.
Ở Việt Nam bây giờ hạ tầng cơ sở tốt về mọi phương diện. Công việc làm tốt hay không là tùy ở mình rất nhiều. Làm việc phải đứng đắn, phải có lương tâm nhà nghề. Được việc hay không còn là tùy cơ hội.
HÀNH TRÌNH VIẾT – “TÔI RẤT MUỐN ĐI THI CUỘC THI VIẾT NÀY!!! “
Media99: Không chỉ miệt mài với hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, 5 cuốn sách, 3 bằng sáng chế, ông còn tham gia viết bài cho nhiều lĩnh vực khác như văn chương, văn hóa, nghệ thuật,… trong nhiều hội thảo hoặc trên các tạp chí. Qua đó, có thể thấy là ông dành rất nhiều thời gian và trí lực cho việc nghiên cứu và viết đa lĩnh vực, thậm chí còn làm thơ, viết tản văn.
Với ông, nguồn cảm hứng viết này đến từ đâu? Khi ông viết, tư duy làm khoa học chi phối cách thức tiếp cận các vấn đề như thế nào ?
GS Nguyễn Quý Đạo:
Tôi nghĩ là khó mà có thể phân tích được tư duy của mình khi ngồi viết bài. Viết là để ghi lại một vài câu chuyện tùy cảm hứng, theo một đề tài mình thấy đáng ghi lại, vậy thôi. Tuy nhiên, muốn đạt được một số kết quả cho bài viết của mình, có lẽ cũng nên có một vài điểm nên chú ý về phương thức làm việc.
Đối với những kết quả nghiên cứu, đây thường không phải là công trình của một cá nhân mà là của một đoàn thể. Cần có một tổ chức tốt trong một khuôn khổ tốt là yếu tố quan trọng để ra kết quả tập thể tốt. Tôi may mắn có được những điều kiện thuận lợi đó. Viết những tài liệu về khoa học là công việc chính của tôi và của những bạn bè đồng nghiệp. Tôi đã làm việc này cho tới khi nghỉ hưu. Tôi nghĩ cũng không có gì đặc biệt cho lắm.
Còn viết văn chương thì đó là mơ ước của tôi. Tôi muốn viết, tôi thích viết, buồn vui thì ngồi viết. Thỉnh thoảng viết chơi cho mình một vài dòng để rồi lâu lâu mang ra đọc lại. Tôi nghĩ là mỗi người có một cách viết riêng, vì suy nghĩ khác nhau, cách viết khác nhau, tùy theo cá tính của mình. Còn nguồn cảm hứng thường là do một sự kiện này nọ xảy ra trong ngày, trong quá khứ, và sau đó viết lại để nhớ, để suy nghĩ! Tôi nghĩ là khoa học không giúp gì khi dụng văn.
.
Media99: Trở lại với cuộc thi viết, nếu nói riêng về « hành trình và cảm nhận » của chính ông khi sống tại Pháp, thì ông có thể chia sẻ kỷ niệm hay dấu ấn nào đặc biệt nhất cùng VBL và các thí sinh tham gia cuộc thi ?
GS Nguyễn Quý Đạo:
Tôi rất muốn đi thi cuộc thi viết này!!!
Sống trên sáu mươi năm ở quê người, giờ chẳng biết mình là người của nước nào nữa cả. Nếu muốn nói là kỉ niệm nào đẹp nhất thì có lẽ phải nói là tôi là người của hai nước. Tuy nhiên mười sáu năm tuổi trẻ sống tại Việt Nam có thể coi như là bất tận. Những kỉ niệm đẹp là những chia sẻ của những công việc tôi đã làm được chung cho cả hai bên : những hợp tác song phương Pháp-Việt. Tôi đã viết lại trong một cuốn sách đã xuất bản mới đây.
Mỗi người đều có những kỉ niệm đẹp, xấu. Những dấu ấn ấy đều có những vẻ đẹp riêng biệt của nó. Nên chia sẻ cho mọi người hay.
.
Media99: Theo ông, nước Pháp đã đem tới cho hành trình sống của mình những điểm tích cực và hạn chế như thế nào ?
GS Nguyễn Quý Đạo:
Tôi nghĩ là nước Pháp có thể được coi là một trong những nước ít dị chủng nhất. Dù thế nào chăng nữa, mình cũng vẫn khác với người dân Pháp. Tuy nhiên, họ không bao giờ khinh rẻ mình. Đó là một điểm tốt.
Nước Pháp là một trong những nước văn minh nhất trên thế giới, có nền văn hóa cao, có đời sống dễ dàng. Là một nước dân chủ, không bị áp chế bởi ai. Khí hậu được ưu đãi, mưa thuận gió hòa. Đó là những điểm mạnh.
.
Media99: Để tóm gọn hành trình tại Pháp của mình, ông có thể dùng những từ khóa nào của riêng mình, mà từ đó có thể lan tỏa thái độ sống tích cực, yêu đời như ông đang có ?
GS Nguyễn Quý Đạo:
Mỗi một giây một phút sống ở trên đời là giây phút hạnh phúc. Lúc nào cũng yêu đời. Không nên luôn lo lắng. Hãy học cách quên những chuyện đã làm mình bực bội.
Thời gian như « bóng câu qua cửa sổ », nhớ lại những kỷ niệm của thập kỷ trước chỉ như chớp mắt vừa ngày hôm qua. Để không hối tiếc khi nhìn lại con đường mình đã qua, mỗi ngày cũng là một hành trình để tiến bộ. Lúc nào cũng phải lạc quan thì mới làm được việc.
Tôi nghĩ đó là thái độ sống tích cực.
Media99: Cảm ơn ông vì đã dành thời gian trò chuyện cùng Media99.
_______________________
Những thành công của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo :
Với kiến thức khoa học của mình, ông đã có những cống hiến quan trọng về tri thức cũng như kết quả nghiên cứu dành cho đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước những vũ khí mới của Mỹ dùng ở Việt Nam, ông đã âm thầm thu thập tài liệu tìm hiểu về sự di chuyển của mảnh bom bi vốn ở dạng chất dẻo rất khó phát hiện khi lọt vào cơ thể người, từ đó tìm ra phương pháp phát hiện nhanh chóng các mảnh bom bi ấy nhằm cứu người hiệu quả hơn. Lúc ấy, thông qua Hội người Việt Nam tại Pháp, ông đã gửi về Việt Nam các tài liệu này cùng sơ đồ thiết kế máy giúp phát hiện vị trí của đạn bi trong cơ thể người.
Một trong những công trình nghiên cứu khác là về đặc điểm sỏi thận, sỏi mật của người Việt Nam, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Ông đã tập hợp được các sinh viên Việt Nam tại Pháp sau năm 1975 để phát hiện ra cách chữa trị bệnh sỏi thận, sỏi mật qua ăn uống không cần phẫu thuật, nhờ vào sự so sánh mẫu sỏi thận của người Việt Nam với một số nước khác, ông kết luận sỏi của người Việt Nam có dạng đá chứ không phải sỏi mỡ như người dân ở các nước phát triển khác do đặc điểm ăn uống. Ông cũng đã nghiên cứu về vấn đề tài nguyên đất nước, trong phạm vi ngành đá quí, về hồng ngọc và tô pa. Đây chỉ là một vài trong vô số hoạt động nghiên cứu say mê của ông dành cho Việt Nam.
Tốt nghiệp Đại học Centrale Paris, là Tiến sĩ Khoa học Nhà nước Đại học Paris năm ông chỉ mới 30 tuổi, sau đó ông đã trải qua các vị trí: Giám đốc cao cấp danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Giáo sư Đại học Centrale Paris, Giám đốc Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam Á của CNRS đặt tại Hà Nội, Giáo sư trách nhiệm khoa Vật liệu mới của chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) tại Việt Nam, đồng chủ nhiệm chương trình hợp tác Pháp – Việt về quang phổ của CNRS và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nguyễn Quý Đạo là tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và báo cáo tại các hội nghị quốc tế, 5 cuốn sách, 3 bằng sáng chế. Ông đã hướng dẫn 45 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, trong đó có 10 tiến sĩ Việt Nam.
Một số giải thưởng và Huy chương tiêu biểu:
- Giải thưởng hạng nhất của Hội Hóa học Pháp;
- Huy chương của Đại học Centrale Paris;
- Giải thưởng APIES của ANVAR thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (1980);
- Giải thưởng NATO về công trình nghiên cứu chung với GS E. O. Fischer (người được Giải Nobel về Hóa học 1975);
- Huy chương Hữu nghị do Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng;
Kỉ niệm chương « Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo » của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trao tặng ;
- Huy chương danh dự của thành phố Hồ Chí Minh;
- Giải thưởng đặc biệt do Hội Hóa Học và Hội Vật lý học Pháp đồng trao tặng;
- 1 trong 15 người đoạt Danh hiệu Vinh danh nước Việt năm 2005.
Hiện nay, ông đang tham gia Ban Biên tập của tập san Đoàn Kết, chuyên về mục Các bài nghiên cứu khoa học. Ngoài kiến thức khoa học, ông có kiến thức văn hóa Đông – Tây rất phong phú cũng như tâm huyết dường như vô tận dành cho văn hóa Việt Nam.
Media99
Bài hay!
ThíchThích