Nhà văn Trần Thị Hảo là một trong những nhà văn nữ hiếm hoi của Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Cộng hòa Pháp tặng thưởng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật Pháp vì những đóng góp về văn học liên kết hai nền văn hóa- nghệ thuật Việt-Pháp. Yêu thích tìm kiếm các trải nghiệm lịch sử-văn hóa-xã hội và viết sách, nhà văn Trần Thị Hảo đã có nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại: tùy bút, sách kiến thức, tiểu thuyết,… trong đó 6 quyển sách và tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp đã được in, phát hành rộng rãi tại Pháp; ngoài ra, bà còn nhiều bài viết nghị luận xã hội trên các báo.
Nhận lời tham gia BGK cuộc thi viết “Nước Pháp – Hành trình & Cảm nhận”, nhà văn Nguyễn Thị Hảo đã có cuộc trao đổi thân tình cùng Media 99.
Media99: Với những tìm kiếm sáng tạo, văn phong nhẹ nhàng đặc trưng, và những nghiên cứu từ những chất liệu lịch sử – xã hội của hai đất nước Việt – Pháp, một số tác phẩm của nhà văn Trần Thị Hảo đã được chọn là những câu chuyện mang tính văn chương tiêu biểu để giảng dạy chính thức trong các kênh giáo dục tại Pháp và Việt Nam.
Đó là những thành công rất ấn tượng, thể hiện sự lao động nghiêm túc và tài năng của nhà văn trong sự nghiệp, bởi ai cũng biết rằng việc hòa nhập trong cuộc sống, trong ngôn ngữ ở một xứ sở mới vốn đã khó, huống gì hòa nhập vào thế giới văn học của đất nước ấy, điều đó càng khó hơn nữa, đặc biệt với một phụ nữ đã có gia đình. Điều gì đã thôi thúc bà tiếp tục việc học và xây dựng sự nghiệp của mình tại Pháp khi đã có con cùng nhiều lo toan cho gia đình nhỏ, cũng như làm hậu phương vững chắc cho chồng?
Nhà văn Trần Thị Hảo:
Cảm ơn bạn, mình không dám nhận mình là một nhà văn tài năng mà chỉ nghĩ trong công việc cũng như trong sáng tác văn chương, mình cố gắng tạo cho mình sự đam mê, một phong cách làm việc nghiêm túc.
Mình chỉ nghĩ đơn giản là để trau dồi kiến thức phong phú cho bản thân khi đứng trên bục giảng, thì việc tiếp tục học, nếu có thể, là cần thiết. Học không phải vì bằng cấp mà học vì hiểu rằng tri thức mà ta có không bao giờ là đủ. Isaac Newton đã nói : « Điều ta biết là giọt nước, điều ta chưa biết là đại dương ». Còn Lãnh chúa Chesterfiel nói : « Nếu ta không gieo trồng tri thức khi còn trẻ, nó sẽ không cho ta bóng râm khi về già ».
Lập nghiệp là nghề giáo, bên cạnh đó mình cũng có chút đam mê viết. Bắt đầu từ việc viết các bài giảng, biên soạn giáo trình, viết các bài báo trên nhiều lĩnh vực khác nhau bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, nhưng có lẽ tất cả những điều đó chưa đủ nên mình đã viết sách, viết truyện rồi tiểu thuyết. Mình nghĩ đó là hai công việc khác nhau nhưng lại bổ sung và hỗ trợ cho nhau.
.
Media99: Việc thay đổi môi trường sống và làm việc từ Việt Nam sang Pháp, bà đã gặp những khó khăn gì, và có phải việc đọc sách, nghiên cứu và viết đã là những cứu cánh cho bà khi ấy?
Nhà văn Trần Thị Hảo:
Mình đã nhiều lần phải thay đổi môi trường sống, nên việc hòa nhập trong cuộc sống hay trong ngôn ngữ ở một nơi mới hay xa lạ với quê hương đất nước thì không quá khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề hòa nhập trong công việc chuyên môn và đặc biệt là trong thế giới văn học của nước Pháp là điều không hề dễ. Bởi như chúng ta biết, Pháp là một đất nước mà nền văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng thật đồ sộ và có truyền thống lâu đời, nổi tiếng thế giới.
Cũng may là mình có thói quen thích đọc từ lúc còn nhỏ, nên khi bắt gặp nền văn hóa đọc ở đây, cách làm việc ở các thư viện, phòng sách… mình rất thích. Và để có thể không bị lạc lõng trong thế giới bao la, vĩ đại đó, việc đọc, nghiên cứu hay viết cũng khích lệ sở thích của mình.
.
Media99: Với kinh nghiệm viết các tác phẩm, đa dạng các thể loại, điều gì bà cho là không thể thiếu khi bắt đầu hành trình viết, để xây dựng và nuôi cảm xúc cho tác giả và sự sống động cho tác phẩm?
Nhà văn Trần Thị Hảo:
Điều không thể thiếu khi bắt đầu hình trình viết là những trải nghiệm và kiến thức, càng nhiều, càng phong phú đa dạng thì càng tốt. Dr Seuss (Theodor Seuss Geisel) đã từng nói : « Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều. Bạn càng học nhiều, bạn càng đi nhiều ».
Ngoài đọc, thì việc đi nhiều, tiếp xúc nhiều và sống trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ cho ta những trải nghiệm thú vị mặc dù đôi lúc không dễ dàng. Đó chính là hiện thực cuộc sống mà, cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ, tuy nhiên phải biết chọn lọc những nhân tố làm mình rung động. Và chính những trải nghiệm, những tri thức thu lượm được sẽ là ngọn lửa âm ỉ rồi lớn dần theo năm tháng, thắp sáng niềm đam mê và cảm xúc cho người viết. Tuy nhiên để viết truyện hay tiểu thuyết thì còn cần một số yếu tố khác nữa, trong đó cái không thể thiếu là trí tưởng tượng và tính logic.
Media99: Văn học là nhân học. Lợi ích của việc đọc ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều quan trọng, chỉ riêng với văn học, việc đọc các thể loại văn học, qua nhiều ngôn ngữ tác động như thế nào đến tư duy và ảnh hưởng đến phong cách viết của bà như thế nào ?
Nhà văn Trần Thị Hảo:
« Văn học là nhân học », đúng vậy ! Chính nhà văn M. Gorki cũng đã nói như vậy. Ta có thể hiểu văn học là bộ môn học về con người, không chỉ là con người sinh học, mà còn là con người với cuộc sống tinh thần phong phú và đa dạng của họ.
Với văn học, chất liệu đầu tiên để cấu thành tác phẩm là ngôn từ, nhưng yếu tố cuối cùng quyết định sự sống còn của tác phẩm lại là hình tượng nhân vật. Chính vì vậy để có ngôn từ không những phong phú mà còn mang tính đặc trưng của từng nước, vùng, miền thì trải nghiệm sống – trải nghiệm đọc vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc đọc các thể loại văn học khác nhau, bằng nhiều ngôn ngữ càng giúp ta có thêm nhiều trải nghiệm. Việc đọc giúp ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Bởi những cuốn sách thú vị và bổ ích giống như người bạn tốt, nhất là với những người say mê đọc nó.
.
Media99: Với cuộc thi, bà kỳ vọng ở những bài viết như thế nào, hoặc bà có lời khuyên nào cho các thí sinh ?
Nhà văn Trần Thị Hảo:
Trước hết, phải nói các chủ đề và lĩnh vực mà Ban tổ chức nêu ra rất hay, rất sát với cuộc sống của tất cả những ai gắn bó và trải nghiệm trong hành trình từ Việt Nam sang Pháp.
Tôi mong và hy vọng sẽ có lượng thí sinh đông đảo, đa dạng, bản thân tôi sẽ được đọc nhiều bài viết hay, độc đáo, những áng văn sinh động, cuốn hút người đọc.
Tôi nghĩ, ai cũng có thể viết, đặc biệt là viết một câu chuyện, một tâm sự, một cảm xúc của bản thân. Vì vậy Cuộc thi viết 2019 “Nước Pháp – Hành trình & Cảm nhận” chính là nơi để các thí sinh gửi gắm những niềm riêng để cùng cảm nhận và chia sẻ. Đây cũng chính là một trải nghiệm hay : Trải nghiệm viết. Vì vậy, hãy « dấn thân » khi có cơ hội tốt !
Media99: Vâng, cảm ơn những chia sẻ thân tình và gợi mở, truyền cảm hứng từ nhà văn.
__________
Đôi nét khái quát về nhà văn Trần Thị Hảo:
Nhà văn Trần Thị Hảo: Một trong những nhà văn nữ hiếm hoi của Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Cộng hòa Pháp tặng thưởng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật Pháp vì những đóng góp về văn học liên kết hai nền văn hóa- nghệ thuật Việt-Pháp.
Từng là giảng viên bộ môn tiếng Pháp và văn học Pháp tại Trường ĐH Hà Nội, hiện bà là cán bộ nghiên cứu văn học Pháp tại Trường ĐH Sorbonne Paris IV (Pháp), đồng thời tham gia giảng dạy về văn học Việt Nam cận hiện đại.
Yêu thích tìm kiếm các trải nghiệm lịch sử-văn hóa-xã hội và viết sách, nhà văn Trần Thị Hảo đã có nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại: tùy bút, sách kiến thức, tiểu thuyết,… trong đó 6 quyển sách và tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp đã được in, phát hành rộng rãi tại Pháp; ngoài ra, bà còn nhiều bài viết nghị luận xã hội trên các báo.
Mang dấu ấn viết bằng những tìm kiếm sáng tạo, văn phong nhẹ nhàng đặc trưng, và chất liệu lịch sử-xã hội của hai đất nước Việt-Pháp, một số tác phẩm của nhà văn Trần Thị Hảo đã được chọn là những câu chuyện mang tính văn chương tiêu biểu để giảng dạy chính thức trong: Chương trình trên mạng Sillages.info dành cho học sinh-sinh viên từ lớp 12 đến hết đại học tại Pháp, cũng như ở những nước sử dụng tiếng Pháp, Chương trình giảng dạy Bộ môn Văn học Việt Nam (cùng với Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Ba người khác của Tô Hoài, Bắt đền hoa sứ của Nguyễn Nhật Ánh…) tại một số trường ở Việt Nam, v.v.
Quyển tiểu thuyết lịch sử Bà hoàng cuối cùng của nước An Nam của bà xuất bản năm 2014 đã lập tức được chọn vào danh sách 10 tác phẩm chung kết cho giải Văn học châu Á năm 2015.
Media99
2 Comments