Hành trình sống #1: Sinh con đầu lòng tuổi đôi mươi tại Pháp – Quá trình trưởng thành đơn độc nhưng tự lập


Sinh con đầu lòng ở Pháp, với tôi, là một trải nghiệm hết sức hồi hộp, bỡ ngỡ, bàng hoàng và hốt hoảng, nhất là với bà mẹ chỉ ngoài đôi mươi, chân ướt chân ráo tới Pháp và nói tiếng Pháp bập bẹ, lại chỉ có hai vợ chồng trẻ. 

24h tiếng vượt cạn đau không lời. – Dù trước đó có đọc bao nhiêu sách, dặn lòng chuẩn bị tâm lý vững vàng và bình tĩnh vượt cạn, thì trước những cơn gò dồn dập đau đớn cận sinh, khi cố gắng rặn để đưa con ra khỏi bụng mẹ mà không thành… thì tất cả như bay đi hết, chỉ còn sự lo lắng, mệt mỏi và bồn chồn khó tả.

Từ 5h sáng bị đau vào viện, được mời đi bộ 2km rồi quay lại, lúc ấy đã mở 2 phân. Đến mấy tiếng sau mới mở thêm 4 phân nữa, đau không thể chịu được, tôi được tiêm thuốc, nằm mãi trong cơn đau đến 3h30 ngày hôm sau mới đẻ,  và bác sĩ phải dùng forceps (nhíp/gắp y khoa) kéo em bé ra.

Quá đau vì thuốc gây tê đã hết, nên ngay cả nhìn con, tôi cũng chẳng còn sức để thiết tha. Dù trước đó đã dặn lòng và tưởng tượng nghìn lần rằng mình sẽ ôm hôn hạnh phúc đón con trào nước mắt, nhưng trong thực tế, mình đau trào nước mắt, sinh xong hết cả hơi suýt ngất luôn, may mà y tá vào hỏi han rồi mang bánh và sữa chua vào cho mình.

.

Hậu sản và trầm cảm – Sức mạnh trong thiên chức của người mẹ thể hiện mạnh mẽ trước cơn khóc khát sữa của con ré lên hàng đêm trong những ngày ở viện. Khi sữa mẹ chưa về kịp, tôi vừa cho con bú vừa cầu nguyện, vừa cảm nhận bao nhiêu cảm xúc dâng trào từ tủi thân đến cô độc.

Nếu ở Việt Nam, khung cảnh quen thuộc là ông bà, anh chị, bạn bè… đầm ấm vây quanh bà mẹ trẻ và em bé, có gia đình chăm lo vào viện mỗi ngày cho đến khi được về nhà. Trong thực tế, khi sinh con tại Pháp, hầu như các bà mẹ Việt Nam đều tự lập lo cho bản thân.

Về phần mình, tôi trở thành mẹ trẻ ở tuổi mới ngoài đôi mươi, chưa một lần kinh nghiệm về bất kỳ giai đoạn nào của hậu sản. Vừa phải xoay xở để bế con vừa phải tập đi lại với tám, chín vết khâu âm đạo chưa lành, mà các y tá thì cũng quá bận vì lượng trẻ sơ sinh đông, họ xin lỗi không thể giúp gì hơn ngoài việc nhắc nhở uống thuốc, cho con ti đều đặn để kích sữa và cố gắng đi lại, tôi tập mọi thứ một mình.

Các ông bố cũng chỉ được thăm vợ 2 lần/ ngày, mỗi lần chỉ hơn một tiếng, lúc ấy trong đợt cao điểm chống khủng bố, không người thân nào được lưu trú lại ở viện… Món ăn ở bệnh viện lại không đủ, tôi vẫn đói sau khi ăn, bao nhiêu bực bội dâng trào.

Khung cảnh càng trống vắng, tâm trạng tôi càng đơn độc, có nỗi buồn, có sự đau đớn, có sự tủi thân, có chút hờn mát, có cả sự khép kín, chẳng muốn ai thấy bộ dạng thảm hại của mình, khi xấu nhất, bất lực nhất, chơi vơi nhất.

.

Trở lại khoảnh khắc sinh con – Cùng với thời gian, những nỗi niềm cũng trôi qua. Tôi quay lại chầm chậm trong đầu mình khoảnh khắc sinh con.

Lúc ấy, trong phòng sinh có đủ đội ngũ cả chục bác sĩ và y tá luôn niềm nở, nhẹ nhàng và hỏi han bà bầu, còn anh chồng ngồi chờ vợ sinh, được tận hưởng giây phút con chào đời, trong hồi hộp nín thở theo cơn gò của vợ, chờ tiếng khóc của con, rồi vỡ òa hạnh phúc ôm con vào lòng ủ ấm… thì là những khoảnh khắc hạnh phúc tận cùng của sự tự lập của đôi trẻ. Dẫu có nhiều bỡ ngỡ, vất vả, nhưng nhìn lại, điều đó là vô giá, bởi chính cha mẹ và con cái gắn kết với nhau, trên chặng đường dài, không ai, kể cả bà ngoại, bà nội, có thể thay thế sự hiện diện của người cha khi đó.

Yêu thương như sâu rộng hơn, khi các anh chứng kiến vợ đã đau đớn như thế nào, từ khi rặn sinh, đến những vết mổ, vết khâu, đến những giọt mồ hôi, đôi mắt mệt mỏi của vợ, rồi đến những trải nghiệm họ tận tay chăm sóc con, cảm nhận con âu yếm và bám theo mình như không thể tách xa…

Mấy anh chồng vụng về bếp núc, cũng cố gắng nấu ăn, không đồ ta thì đồ tây, không có mâm cơm đủ đầy các món, cũng có nồi cháo nóng hổi cho vợ.

Sự tự lập, có thể chỉ đơn giản là không có người giúp việc, không có sự đỡ đần của ông bà, người thân, hai vợ chồng bảo nhau dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho con, anh chồng tất bật xách làn đi siêu thị sau giờ làm, cuống quýt khi con ho hắng … Trước cảnh đó, các bà mẹ chỉ có thể ngoẻn cười, vì nhìn thấy được cả sự vụng về của bản thân, thấy rằng cả hai đã cùng cố gắng và nỗ lực cho việc xây dựng mái ấm gia đình, dù có đang ở trong căn hộ đi thuê nhỏ xíu, thiếu thốn đủ thứ, nhưng vì thiếu thốn nên phải cố gắng và trân trọng sự cố gắng đó đến từng phút giây.

minh họa truyền thông

Nước Pháp không hoàn hảo, dịch vụ tại Pháp đắt đỏ, nhưng khi sinh tại bệnh viện thông thường tại Pháp, bạn cũng có thể cảm nhận ít nhiều sự tử tế và trân trọng, ưu tiên tối đa cho trẻ em và bà bầu, bà mẹ trẻ. Những nhân viên y tế chỉ được trả mức lương cơ bản, nhưng từ hành động và lời nói, họ có thể khiến bạn yên lòng bởi sự tận tình, chu đáo chỉ dẫn từ cách mặc đồ cho bé, tắm cho bé, hoặc cách vỗ ợ hơi để bé đỡ chớ sau khi ăn no bụng… Chỉ một câu cảm ơn của bạn, hay vài chiếc bánh mì, chai nước hoa quả bạn mời họ thay lời cảm ơn, cũng được họ cảm kích một cách rất trân trọng. 

Có lẽ cũng đôi khi bạn bế tắc và trăn trở đi tìm câu hỏi cho việc sống của mình nơi xứ người, cho nhu cầu hạnh phúc của bản thân, cho sự xa xôi cách trở với gia đình lớn, hoang mang với văn hóa và nếp sống phương Tây, rồi ở nơi xa phải nỗ lực gấp nhiều lần người bản xứ mà chưa thành công như ý… nhưng sau tất cả, lắng đọng lại của những giây phút không được tụ tập bạn bè, đi nghỉ dưỡng với các dịch vụ từ a đến z ở Việt Nam, những cơ hội thăng tiến kèm trách nhiệm và thời gian cho công việc… chính là những giây phút để tự thấu hiểu bản thân, lắng nghe bản thân mong muốn gì. 

Với từng giai đoạn có lẽ nhu cầu của mỗi người cho cuộc sống của bản thân sẽ khác, nhưng với người phụ nữ, dẫu ở đâu, dẫu thiếu thốn đủ đường từ kinh nghiệm, vốn sống, sự thích nghi, đến các điều kiện vật chất, thì những trải nghiệm vượt khó cùng nhau để xây dựng những công trình chung, trân trọng và thương yêu nhau sẽ là đích đến cuối cùng cho hành trình cuộc sống và mưu cầu về sự hạnh phúc.

Và với trải nghiệm này ở Pháp, có lẽ nhiều người cũng sẽ có những suy nghĩ và cảm nhận như thế chăng?

Bài và hình: Linh Sam

Bài viết chia sẻ cùng Cuộc thi viết “NƯỚC PHÁP – HÀNH TRÌNH VÀ CẢM NHẬN”, không phải bài dự thi.


cover fb - affiche cuoc thi viet

1 Comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s