Tai nghe – Câu chuyện tình yêu Pháp-Việt ở hàng xôi…
“Cô ấy có đẹp không nào? Trong đôi mắt tôi cô ấy là tất cả” – “Anh chàng” trung niên người Pháp cười phớ lớ, choàng vai ôm cô bạn gái người Việt, giọng đầy tự hào và kiêu hãnh. Anh chàng thao thao bất tuyệt kể lại câu chuyện gặp tình yêu của đời mình ở hàng xôi tại Hà Nội, sau cuộc gặp đó, khi đã quay lại Pháp thì vì nhớ quá nên lần nữa quay lại hàng xôi cách Pháp hơn 10 nghìn cây số để gặp và tỏ tình với “nàng thơ” của mình.
Câu chuyện tình Pháp-Việt đúng nghĩa đi từ dạ dày đến trái tim, lặn lội mấy đường bay để gặp nhau, được anh chị nâng niu và nhớ từng chi tiết, còn không hết lời cảm ơn cô bán xôi tốt bụng làm bà mối bất đắc dĩ ngày nào.
Không chỉ nghe câu chuyện lãng mạn tuổi trẻ, mà cũng chẳng hiếm ta nhìn thấy các đôi “tình già” – những ông bà nắm tay nhau cùng đi bộ trên đường phố, hay cùng khiêu vũ, nhảy múa ở những quảng trường, bước chân và nụ cười vui nhộn, tạo ra một hình ảnh quyến rũ lạ kỳ thu hút cả khách du lịch phải đứng lại và ngưỡng mộ vỗ tay.
Người Pháp trong suy nghĩ của tôi, rất lãng mạn, nhưng theo cách rất riêng của họ, có khi không hoàn toàn theo khái niệm “lãng mạn” mà người Việt hay nghĩ đến. Trong cách lãng mạn rất Pháp có gì đó tự nhiên, mộc mạc, thực tế đời thường, mà có khi còn rất dung dị, bình dân nữa. .
Mắt thấy – Chuyện tình nông trại trên thảo nguyên
Dạo lên vùng Rhône-Alpes dự đám cưới đôi bạn Pháp, tôi thực sự thấy ấn tượng với đôi vợ chồng cô chú của bạn. Họ là nông dân thứ thiệt, sống trong ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, sở hữu khu nông trại nuôi bò, gà, thỏ và làm các loại pho mát, sữa chua cung cấp cho vùng.
Đến nơi trước ngày đám cưới, chúng tôi nghỉ lại tại nhà cô chú. Lúc ra đón tiếp chúng tôi, họ mặc đồ lao động, ấn tượng nhất là nụ cười hồn hậu. Họ yêu công việc và bày tỏ lòng biết ơn thiên nhiên; ngay cạnh trang trại là vườn cây trái, hoa tươi mơn mởn.
Vùng này có quang cảnh rất đẹp và yên bình, nhưng nhà cửa rất thưa thớt. Vì vậy, từ khi đến đây, tôi vẫn tự hỏi là họ có thú vui gì, làm sao chống lại sự buồn tẻ hàng ngày, làm cách nào họ có thể giữ được sự yêu đời và tình cảm như vậy khi quan sát cuộc sống của họ!?
Chú luôn gọi cô là “người yêu bé nhỏ” dù cả hai đã ở độ tuổi về hưu, và cô thì luôn ca hát trong bếp như thói quen. Nhà cửa sạch sẽ, thơm tho, và đặc biệt là hầu hết tranh treo tường, lọ hoa, đều do chính cô vẽ và làm cùng hội yêu đồ gốm của cô. Tủ sách của nhà họ thì toàn sách cổ, từ sách nông nghiệp đến tiểu thuyết văn học.
Sống hơn nửa đời người, cô chú gắn với nông nghiệp từ thời ông bà mình, cảm nhận rõ sự sinh dưỡng và bao bọc từ thiên nhiên. Nhờ nông nghiệp, cô chú tự hào nuôi được 3 con khôn lớn thành người. Thu nhập tài chính của họ không nhiều, nhưng với họ, điều đó đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, mà bên cạnh tiền còn bao nhiêu điều khác quý giá hơn vô cùng: Lao động nông nghiệp đem lại sự hưởng thụ thành quả tự nhiên, ăn sạch, uống sạch, hít thở không khí sạch. Mùa đông, khi có tuyết, trên ngọn đồi cao, đại gia đình cô chú sum họp, tất cả cùng trượt tuyết với nhau. Mùa hè, họ có hồ bơi tự đào, thêm trang trí lãng mạn và hệ thống sục nước ấm xông hơi cũng tự thiết kế, đủ vui cho đôi vợ chồng già và con cháu về nghỉ hè. Bốn mùa quanh năm, họ tham gia hội làm gốm, hội người trồng nho, kiểm định rượu nên có thể gặp gỡ bạn bè và có nhiều hoạt động; ngoài ra, các anh chị em khác cũng ở quanh khu đồi đó, cùng cai quản và làm việc tại nông trại.
Những người nông dân bách nghệ, có tài may vá, có tài sửa xe, có tài ca hát và chơi nhạc. Điều đó được thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị tiệc cưới. Mọi trang trí trong đám cưới là đại gia đình cùng làm, chuẩn bị. Còn trong bữa tiệc cưới, cô chú tự hào mời quan khách sản phẩm địa phương, chủ yếu từ trang trại nhà mình làm ra để mừng cưới cô cháu gái cưng. Cảm giác gần gũi, tình làng nghĩa xóm, tình thân và sự hồn hậu của họ khiến chúng tôi thấy vô cùng ấm áp.
Bất ngờ nhất là khi họ thay lớp quần áo lao động bằng những trang phục tham dự đám cưới, họ đẹp như tài tử trong váy áo tự may, tự tin nhảy múa trong đám cưới, dưới ánh đèn màu huyền ảo. Họ nhảy múa xuyên đêm, và cùng ôn lại chuyện hồi nhỏ của cháu gái, cháu trai họ.
Câu kết cho lời chúc mừng đám cưới, là hãy sống và yêu thương nhau như cách chúng ta đã và đang làm, nâng niu nhau từng phút giây. Họ cũng không quên mượn đám cưới để tỏ tình với nhau, rằng “Đến ngần này tuổi, ta vẫn yêu thương nàng, còn nàng vẫn dựa vào ta e ấp như ngày đầu các cháu ạ“, “Cảm ơn Ơn trên đã bảo vệ chúng ta để chúng ta còn khỏe để yêu thương nhau, để chứng giám và chúc phúc cho đôi trẻ hôm nay“… Eo ôi, sao là sến súa, sao là “cơ hội”…
Đôi khi chuyện tình yêu và những khoảnh khắc yêu thương làm người ta nhìn nhận như vỏ bọc đường cho những câu chuyện mơ mộng không có thật, nhưng trong trải nghiệm dự đám cưới bạn và du lịch ấy, được thấy kể cả những câu sến súa nhất, họ cũng vô tư trao gửi cho nhau, hành động yêu thương từ những cử chỉ dìu nhau lên sân khấu, lau mồ hôi, chỉnh áo quần cho nhau… khiến chúng tôi cũng hạnh phúc theo, như một sự lan tỏa dễ chịu và tích cực, như ví dụ tình yêu rất thực tế.
Đúng vậy, đồ đạc, tư trang, túi tiền có thể không nhiều, nhưng khi ta tự thấy vừa đủ, để có thể bên nhau và cùng xây dựng cuộc sống, cùng nhau già đi, cùng nhau trải qua nhiều cung bậc, dấu mốc cuộc đời như cô chú, sự hài lòng đủ để bao dung đã gắn kết họ bền chặt, khiến tâm hồn họ thật đẹp.

Đôi khi thấy Paris lãng mạn đến lãng xẹt, bởi những gì lãng mạn hào nhoáng mà ta thường thấy trên phim thì ít gặp ở đời thường, còn những từ lẽ ra chỉ gặp ở tiểu thuyết tình yêu thì họ nói tự nhiên như hơi thở, những “anh yêu”, “em yêu”, “con thỏ con bé bỏng”, “tình yêu của đời tôi”, nào là “cảm ơn anh yêu/em yêu”, “xin lỗi em”… Những hành động nhường phụ nữ, ga lăng thì như bản năng, thói quen tự nhiên của đàn ông Pháp.
Chắc hẳn có bạn nữ sẽ thấy quen, khi một chàng trai Pháp nào đó tiến lại gần, bắt đầu câu chuyện bằng “Anh thấy em có sự hấp dẫn thật đặc biệt”, hoặc “Anh có thể làm gì đó giúp em không?”… Sự tán tỉnh nghe sao đáng cảnh giác, nhưng cũng khá ngọt ngào. Lãng mạn sẽ thành lãng xẹt nếu bạn không thích, nhưng với phép lịch sự, bạn có thể ngừng cuộc nói chuyện hoặc tiếp tục cuộc nói chuyện để mở ra một chuyện tình, biết đâu đấy…
Tình yêu vốn diệu kỳ và lắm lý lẽ riêng, nhưng sống ở Pháp, và quan sát về tình yêu, cách thể hiện tình yêu của người Pháp, hẳn bạn sẽ có nhiều cảm nhận và suy nghĩ. Đôi lúc thấy lãng mạn dịu êm, đôi lúc thấy lãng xẹt mà vẫn thi vị. Nếu không tin, bạn có thể thử quan sát và cảm nhận, thật đấy…
Bài và hình: Yến Lê.
Bài viết chia sẻ cùng Cuộc thi viết “NƯỚC PHÁP – HÀNH TRÌNH VÀ CẢM NHẬN”, không phải bài dự thi.
1 Comment