Phóng sự điều tra 5 kỳ : NGƯỜI VIỆT NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO ANH


Đọc lại loạt phóng sự 5 kỳ vào năm 2010 của nhà báo Thu Hà (nguyên trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Paris) về tình trạng buôn người và nhập cư trái phép của người Việt vào châu Âu.

Phóng sự điều tra 5 kỳ :

NGƯỜI VIỆT NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO ANH

Trên nền tuyết trắng xóa của một cánh rừng ở phía bắc nước Pháp, thấp thoáng phía sau những cành cây khẳng khiu, nổi lên một vài cái túp lều tạm bợ. Ít ai biết rằng đó là nơi tạm trú của những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Họ đang chờ đợi để tìm cơ hội sang Anh, nơi mà họ cứ ngỡ rằng đó là thiên đường, để rồi trải qua biết bao gian nan, nếm trải biết bao cùng cực mà thiên đường ảo mộng đó vẫn mờ mịt như sương mù Luân Đôn. Vài ngày trước Tết Canh Dần, phóng viên TTXVN tại Pháp đã có dịp cùng với một nhóm hoạt động tình nguyện đến thăm họ, tìm hiểu về hành trình mà họ đã trải qua.

PHẦN I : ĐI TÌM TƯƠNG LAI TRONG ẢO MỘNG

Ngày 28 Tết, trong gió lạnh và mưa tuyết, chúng tôi theo chân một số tình nguyện viên thuộc các tổ chức nhân đạo mang đồ tiếp tế đến những người Việt ở rừng Angres để họ ăn Tết. Đón chúng tôi từ bìa rừng là những nụ cười rạng rỡ ánh lên trên những gương mặt khắc khổ. Hơn một chục người, đa số là thanh niên dẫn chúng tôi len lỏi trong rừng cây mùa đông trơ trụi lá cành. Không xa lắm, nổi lên trên nền tuyết trắng, là những túp lều cất lên tạm bợ, đủ để che nắng, che mưa, nhưng không đủ để chống chọi với cái giá rét của mùa đông nước Pháp.

Củi được bỏ thêm vào lò để tăng hơi ấm cho căn lều chính, những cốc trà nóng khiến cho câu chuyện có phần rôm rả hơn. Có thể vì nghĩ rằng chúng tôi cũng là thành viên của nhóm hoạt động từ thiện nên những “Người Rừng” ở Angres không ngại ngần cởi mở, giãi bày. Cũng có thể họ nghĩ rằng kể ra miệng cũng là một cách để làm vợi bớt đi những nỗi cơ cực mà họ đã trải qua, và cũng để lấy can đảm cho chặng đường đi sắp tới.

Qua giọng nói và những lời tự giới thiệu, chúng tôi được biết rằng những người sống ở khu lều trại này đến từ các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, … đa số đều chỉ có trình độ phổ thông, một số đã có gia đình, con cái, từng sống nơi quê nhà bằng những công việc khá ổn định, mặc dù không kiếm được nhiều. Không ai còn giữ giấy tờ tùy thân. Ngay cả cái tên họ tự giới thiệu cũng không biết là tên thật hay giả. Nhưng nhìn nét khắc khổ, hãi hùng trên những gương mặt bơ phờ bởi sương gió dặm đường, chúng tôi tin rằng những điều họ kể về chuyến hành trình gian nan và vất vả mà họ đã trải qua để đến được bờ biển Manche phần nhiều là sự thật.

Nord-Pas-de-Calais, điểm dừng chân của những người nhập cư bất hợp pháp

Cách Paris 250 km về phía tây bắc là thị xã Calais, thuộc vùng Nord-Pas-de-Calais, nơi nổi tiếng với con đường hầm Eurotunnel xuyên qua eo biển Manche, nối Anh với Pháp và lục địa châu Âu. Đây cũng là nơi tập trung những người nước ngoài, nhập cư bất hợp pháp, sống chui lủi trong các cánh rừng đầm lầy rậm rạp và ít người lui tới. Do sống chủ yếu trong rừng nên báo chí và dân địa phương thường gọi họ là “Người Rừng”. Họ ẩn náu ở đó để tìm cơ hội bám vào các xe tải, theo những chuyến phà đi qua biển, hoặc theo đường hầm Eurotunnel để vào Anh, nơi họ tin rằng sẽ có được một cuộc sống mới sung sướng hơn.

Số người di cư bất hợp pháp ở Calais đã có lúc lên đến 700-800 người, đông nhất là người đến từ các quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, những nơi thường bị chiến tranh, xung đột hoặc nghèo đói, thiên tai hoành hành như Ápganixtan, Irắc, Xômali, Nigiêria… Tuy nhiên, cũng có những người đến từ các nước Đông Âu, hay những nước đang phát triển ở châu Á như Trung Quốc, … và cả Việt Nam.

Những người dân nhập cư bất hợp pháp này thường co cụm thành từng nhóm, sống theo cộng đồng dân tộc, trong các lán trại ngoài rừng hoặc trong những khu nhà cất tạm bợ. Người có tiền thì chờ sự sắp xếp của một số “đường dây” đưa người qua biên giới. Người không có tiền thì hoặc tự chui vào xe tải, lên phà vượt biển sang Anh, hoặc bám theo tàu hay ô tô, chạy qua đường hầm Eurotunnel qua biển Manche để tới Quốc đảo. Không ít những trường hợp đã bị tai nạn, tử vong, hoặc bị bắt đưa vào trại tạm giam ở Pháp, Hà Lan, Đức, rồi sau đó bị trả về quê hương nếu xác định được danh tính và nơi cư trú.

Một điều lạ là không ai trong số những người tị nạn ở Calais có ý định ở lại Pháp hoặc Bỉ, mà đều chỉ muốn tìm đường sang Anh, nơi họ cho rằng có thể sống và làm giàu được ngay cả khi không có giấy tờ.

Nạn nhập cư bất hợp pháp tại khu vực này luôn là vấn đề khiến các nhà cầm quyền địa phương và Chính phủ Pháp đau đầu từ nhiều năm nay. Những vụ lộn xộn, xô xát giữa các nhóm cộng đồng người nhập cư với nhau, hoặc giữa người nhập cư với người dân bản địa thường xuyên xảy ra. Ở cái nơi tập trung những linh hồn phiêu bạt, vất vưởng đến cùng cực này, nạn cướp bóc, trấn lột, bảo kê, ma túy, ma cũ bắt nạt ma mới… diễn ra như cơm bữa, khiến tình hình trật tự trị an luôn bất ổn.

Để “dọn dẹp” vùng rừng đầm lầy Calais, và ổn định lại an ninh khu vực, Bộ trưởng Di trú Pháp Eric Besson đã quyết định tăng cường các biện pháp để xóa bỏ tình trạng dân di cư bất hợp pháp tập trung tại vùng Nord-Pas-de- Calais. Nói là làm, hồi cuối tháng 9/2009, các lực lượng chức năng của Pháp đã tiến hành những đợt vây ráp, xóa sổ các khu trại lớn nhất của người nhập cư bất hợp pháp có tên gọi “Rừng rậm” ở Calais.

Các lều trại bị phá hủy, các nhóm dân cư bất hợp pháp, phần thì lánh nạn sang những vùng khác, phần bị bắt giữ và bị trả về quê hương theo dạng hồi hương tự nguyện, hoặc mạnh hơn là hồi hương cưỡng bức.

Về phía những người Việt nhập cư bất hợp pháp ở khu vực này, trừ một số bị cảnh sát bắt, đa số đã chạy sang những vùng lân cận như Dunkerque, Arras… để lánh nạn. Một bộ phận người Việt đã trôi dạt về Angres, cách đường hầm Eurotunnel chạy qua eo biển Manche tới Anh hơn 100 km, sống tạm bợ trong những chiếc lều bạt cất tạm ven rừng, nơi gần đường quốc lộ.

72556727_10218490643531669_3008741293699366912_n

PHẦN II : HÀNH TRÌNH TỚI THIÊN ĐƯỜNG: BĨ CỰC… MÀ CHẲNG THÁI LAI

Theo những người Việt ở rừng Angres, để đến được Pháp, người ít tiền thường bắt đầu bằng đường thủy, sang Trung Quốc rồi qua Nga. Những người sang hơn thì đáp máy bay tới thẳng Nga, hoặc CH Séc. Sau đó, họ tiếp tục một lộ trình khá giống nhau: băng qua một số nước Đông Âu để vào EU, đến Pháp rồi sang Anh, điểm đến cuối cùng và cũng là “thiên đường” mà tất cả những người Việt nhập cư bất hợp pháp hướng tới. Giá cả cho chuyến đi có thể dao động từ 6.000 USD đến 16.000 USD, tùy theo phương tiện để đến Pháp, điểm dừng chân cuối cùng trước khi sang Anh.

Nghe mô tả thì thấy thật suôn sẻ, nhưng có dấn thân vào rồi mới thấy nó cay cực đến thế nào!”, người đàn ông tự xưng là Long, 43 tuổi, làm nghề lái taxi ở Đồng Hới, tâm sự với một giọng chua chát. Anh kể : “Ở nhà, lương tài xế chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. Chẳng đủ sống! Nghe nói đến Anh có thể kiếm được nhiều tiền, chỉ vài tháng làm việc là đủ để trang trải nợ nần và có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Thế là tôi quyết định ra đi”. Những tưởng có thể phất lên nhanh chóng, anh Long tìm đến môi giới để thực hiện giấc mộng làm giàu của mình. Sau khi thủ tục hoàn tất, tiền đã nộp, anh khăn gói hồ hởi lên đường, để lại nơi quê nhà người vợ trẻ với hai đứa con, một món nợ và cả niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn mà chồng/cha chúng sẽ mang về nay mai.

Hỡi ôi, cuộc đời đâu có đơn giản như vậy! Sang đến Nga, cuộc hành trình gian nan và vất vả của anh mới thật sự bắt đầu. Người dẫn đường đưa anh Long cùng một nhóm người đi bằng nhiều phương tiện khác nhau từ Nga, vượt qua các nước Đông Âu và Trung Âu để tới Pháp. Trong suốt mấy tháng trời, họ trèo đèo, lội suối, vượt rừng để tránh sự kiểm soát của lực lượng tuần tra biên giới. Phương tiện hỗ trợ chỉ là một chiếc la bàn để định hướng và chiếc bản đồ để xác định nơi đến. Lương thực đi đường chỉ là chai nước và chiếc bánh mì được phân phát mỗi ngày.

Đôi mắt anh Long vụt mờ đi khi những kỷ niệm kinh hoàng trở về trong ký ức: “Có những tuần đi triền miên trong rừng, mệt quá cũng chỉ được nghỉ vài tiếng mỗi ngày. Càng đêm tối, càng phải đi để dễ trốn hải quan và công an. Mùa hè còn đỡ, khi mùa đông đến, rét thấu xương thịt. Hên thì vẫy được xe đi nhờ, nếu không phải chấp nhận đi bộ”.

Anh Long cho biết, khó nhất là chặng vượt qua biên giới hai nước Bungari và Hungari, vì đây chính là cửa khẩu vào EU nên việc kiểm soát vô cùng gắt gao. Chẳng may gặp phải lính biên phòng hay cảnh sát đi tuần, người may mắn thoát được thì đi tiếp, những người không may bị bắt lại, bị nhốt vào đồn biên phòng, đến lúc được thả ra, lại tìm đường về nơi tập kết cũ, chờ cơ hội có đoàn khác thì nhập vào. Nơi đất khách quê người, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết, cuộc sống chỉ trông chờ vào hai chữ rủi may. Căng thẳng, sợ hãi, lang thang, chui lủi…, cứ như vậy đến 4 tháng ròng anh Long mới tới được Calais. Với giọng hài hước pha lẫn chua chát, anh Long công nhận cái mà anh có được trong chuyến đi « sống dở, chết dở » vừa qua, đó là khả năng xem bản đồ, định hướng bằng la bàn và kinh nghiệm nhảy xe tải đường dài.

Đàn ông đã vậy, phụ nữ còn vất vả, khổ sở trăm lần. Khó khăn lắm tôi mới bắt chuyện được với cô gái trẻ tên Thủy, 26 tuổi, đến từ Hải Phòng. Là con gái duy nhất trong gia đình, bố mẹ tuy không giàu, nhưng cũng không để Thủy thiếu thốn. Nghe người ta quảng cáo đến Anh dễ kiếm tiền, hai ông bà đã chiều con, bán đi ngôi nhà mình đang ở để có chút tiền trang trải cho chuyến đi. Thủy cùng Hoa, cô bạn gái thân, lên đường xuất ngoại với ước vọng tìm được một cuộc sống sung sướng hơn. Nhưng giờ đây, bản thân họ không dám chắc tương lai sẽ tốt đẹp hơn ở nhà. Không kể ra, nhưng khuôn mặt nhỏ nhắn của cô còn vương lại những nét thảng thốt, sợ hãi, dấu ấn của một cuộc hành trình đầy ác mộng. Thủy rụt rè tâm sự : “Em cũng không ngờ chuyến đi lại kinh hoàng đến thế. Em cảm thấy bị hủy hoại cả về thể xác, lẫn tâm hồn. Nhiều lúc tủi cực chỉ muốn chết, nhưng lại không dám. Em cũng không dám gọi điện về nhà sợ bố mẹ em biết sẽ khổ sở vô cùng”.

Mặc dù đã đến được Pháp, nhưng cái đích để đạt được vẫn còn xa đối với những người Việt nhập cư bất hợp pháp.

Chặng đường khó nhất hoá ra lại là chặng đường ngắn nhất và gần đích nhất. Để đi từ Pháp sang Anh, cách phổ biến là giấu mình trong những chiếc xe tải đường dài. Thường vào buổi tối, những người này lần mò ra các trạm nghỉ chân của xe tải rồi tìm cách giấu mình trong các xe. Trời càng rét càng phải đi vì ít người để ý, quần áo càng ít càng dễ giấu mình. Nhỏ con thì nằm ép trong các khe ở dưới gầm xe, to lớn thì chui vào đống hàng hóa trong thùng xe. Phải rúc cho kỹ và sau đó mặc cho số phận định đoạt. Người nào xui, bị cảnh sát phát hiện thì bị bắt giữ. Nếu chẳng may lên nhầm phải chiếc xe đi Bỉ, hay Hà Lan, thì lại phải tìm cách mà quay trở lại nơi này để thử vận may khác.

Người thanh niên trẻ có tên là Tiến cho biết đã tìm cách sang Anh đến cả 20 chục lần, nhưng vẫn chưa sang được. Có lần trốn trong thùng xe, lạnh đến nỗi máu đông cứng, chân không cử động nổi, cảnh sát phải bế xuống và cho vào phòng ấm để khỏi bị chết cóng. Có lần Tiến thoát được hai trạm kiểm soát rồi, vậy mà đến trạm cuối cùng ở bên Anh vẫn bị chó nghiệp vụ phát hiện. Không có giấy tờ, cũng chẳng biết tiếng Anh, bị bắt rồi cảnh sát Anh trục xuất ngược về Pháp. Cảnh sát Pháp cũng ngán ngẩm, bắt rồi lại thả ra. Và cứ như vậy từ 6 tháng nay, Tiến vẫn lang thang, vất vưởng quanh những túp lều ở bìa rừng.

72486937_10218490643691673_7457870036993048576_n

KỲ III: NHỮNG NHÀ HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN: “MỘT MIẾNG KHI ĐÓI BẰNG CẢ GÓI KHI NO”

Những ngày sống vất vưởng của người Việt di cư bất hợp pháp để chờ tới “thiên đường” thật thảm thương. Có lẽ, họ sẽ khó trụ nổi nếu không có sự giúp đỡ của nhũng người bản xứ tốt bụng, những thành viên của nhóm Fraternité Migrants (một nhóm đấu tranh cho quyền bình đẳng của những người di cư), nhất là vào giữa mùa đông giá rét, khi nhiệt độ xuống tận dưới -7°C.

Mảnh đất nơi họ tạm cất lên những chiếc lều để tránh mưa, tránh tuyết thuộc sở hữu của một số nông dân địa phương. Không phải ai cũng đồng ý cho những người nhập cư bất hợp pháp ở nhờ. Nhưng đa số có vẻ xuôi lòng trước tình cảnh của những con người đáng thương này.

Những mảnh vải bạt để dựng lều, chăn đệm, củi lửa và cả những vật dụng cần thiết tối thiểu… tất cả đều do các thành viên của nhóm tình nguyện hoạt động nhân đạo mang đến. Mỗi ngày một lần, họ thay nhau mang đồ tiếp tế đến cho những người Việt ở rừng, từ can nước đến túi khoai tây, từ quần áo đến giày dép và cả thuốc men. Hàng tuần, họ đưa những người Việt di cư bất hợp pháp đi tắm, đi giặt trong thành phố.

Chị Fabienne Bouny cho biết những người Việt này không gây rối như những nhóm cộng đồng khác, bởi vì mục đích của họ chỉ là tìm đường sang Anh. Hơn nữa, họ lại nhỏ con, hiền lành nên hay bị các nhóm cộng đồng khác ăn hiếp, bắt nạt. Chính vì vậy, họ được những người làm từ thiện quan tâm, chăm sóc hơn cả. Chị cũng rất biết theo luật của Pháp, những trường hợp tiếp tay cho người nhập cư bất hợp pháp có thể bị kết án 7 năm tù và phải trả 70.000 euro (96.000 USD) tiền phạt. Thế nhưng, chị và những người trong nhóm vẫn giúp đỡ những người Việt nhập cư, bởi vì họ cho rằng hành động của mình không phải là “tiếp tay”, mà đơn giản chỉ vì thấy những con người này quá đáng thương. Hơn nữa, theo chị, không có luật pháp nào cấm các hoạt động từ thiện với mục đích đơn thuần là giúp cho những người khốn khổ có điều kiện tồn tại một cách tối thiếu.

Chị Annick Pagias, một nữ y tá hoạt động tình nguyện cũng cho rằng những việc làm của chị và các thành viên khác trong nhóm Fraternité Migrants không phải là để khuyến khích, hay tiếp tay để những người Việt nhập cư chạy sang Anh, mà chỉ giúp cho họ có được điều kiện sống tối thiểu của một con người.

Chị nói: “Tình cảnh của họ thật đáng thương. Nếu không có sự trợ giúp, chắc họ không thể chịu nổi mùa đông khắc nghiệt ở nơi này. Chúng tôi giúp đỡ họ, chỉ vì chúng tôi cũng là con người”. Chị cho biết, vì mùa đông ở đây rất lạnh và khắc nghiệt, nên chính quyền địa phương và cảnh sát cũng chấp nhận làm ngơ để những nhà hoạt động từ thiện giúp đỡ những người nhập cư này. Tuy nhiên, chị cũng lo ngại rằng trong thời gian tới, khi thời tiết sẽ ấm áp hơn, chính quyền địa phương và cảnh sát sẽ dẹp bỏ những lều trại này và những người nhập cư Việt Nam cũng sẽ lại rơi vào tình trạng lang thang vất vưởng như trước kia.

Để những người Việt ở rừng có được chút hương vị ấm cúng của Tết quê hương, hai chị Xuân Phương và Tố Nga, thuộc tổ chức từ thiện mang tên “Hoa hy vọng” ở Paris cũng đội mưa gió, bão tuyết, để mang gạo nếp, bánh chưng và những thực phẩm cần thiết khác đến cho họ “ăn Tết”. Các thành viên thuộc nhóm Fraternité Migrants còn tìm mua cả gà sống để những người Việt nhập cư cúng giỗ đêm Giao thừa.

Nhờ sự trợ giúp của những người làm từ thiện, cuộc sống của người Việt ở rừng có phần dễ thở hơn. Một thanh niên có tên là Hùng cho biết, trong mấy tháng trời lang thang khắp nơi, có lẽ điểm dừng chân này là nơi anh cảm thấy cuộc sống của mình tử tế hơn cả. Ít ra là cũng còn có cơm để ăn, củi để sưởi, chăn để đắp và may mắn hơn cả là có người quan tâm và chia sẻ những nỗi đau khổ mà họ đã trải qua.

Mặc dù ai cũng biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng những sự giúp đỡ đó đã phần nào mang lại cho những thân phận đáng thương này chút hơi ấm tình người trong những ngày đông giá rét.

Cái giá phải trả cho những kẻ tiếp tay.

Mới đây, báo chí Anh đưa tin tòa án ở Northampton đã tuyên án công dân Anh gốc Việt, Vũ Văn Hạnh, 40 tuổi, 11 năm tù vì tội danh đưa lậu cả trăm người vào nước này. Người em cùng cha khác mẹ, đã làm đám cưới giả để đưa Hạnh qua Anh là Vũ Thị Đức, 37 tuổi, cũng bị lãnh án 2 năm sau khi nhận bốn tội danh. Chánh án Richard Bray cho biết hai người này sẽ bị trục xuất về Việt Nam vì nhập quốc tịch Anh một cách gian lận.

Kết quả điều tra cho thấy chỉ trong vòng một năm, Hạnh đã thường xuyên về Việt Nam tìm cách đưa người bất hợp pháp qua Anh, kể cả bà con của mình. Cảnh sát bắt đầu để ý sau khi một người bà con xa của Hạnh là Lê Đức, 28 tuổi, khai với nhà chức trách rằng để sang được Anh, mấy người này đã buộc họ phải trả 20.000 bảng Anh (tương đương 30.000 USD) và buộc phải làm cho tiệm làm móng tay của Hạnh trong 7 năm ròng mà tiền lương thường bị Hạnh giữ hết. Đến khi Đức xin nghỉ làm thì Hạnh đòi bồi thường 1.000 bảng Anh (1.500 USD). Đức không chịu và ra trình cảnh sát sau khi bị Hạnh đánh. Chánh án Bray cho biết: “Đây là vụ án gây sốc vì nó cho thấy những người Anh gốc Việt này đã bóc lột không thương tiếc đồng hương của họ để kiếm những món tiền lớn bỏ túi”.

Trước đó, tháng 1/2010, bà Christiane Chocat, 51 tuổi, nghị viên hội đồng địa phương quận Seine et Marne ở phía nam Paris (Pháp), đã bị cảnh sát cảng Portsmouth của Anh bắt giữ cùng với con trai Benjamin, 20 tuổi. Hai người này bị phát hiện và bị bắt khi họ đang chở lậu 16 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Tòa án Anh đã kết án bà Christiane Chocat, 3 năm tù, và con trai bà 5 năm tù giam, với tội danh tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

75521828_10218490643411666_6878034432532414464_n

KỲ IV: NỖI KHÓ XỬ CỦA NHŨNG NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHO NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TẠI PHÁP

Để tìm hiểu trách nhiệm của đại diện Nhà nước Việt Nam tại Pháp đối với những người Việt nhập cư bất hợp pháp, chúng tôi đã tìm đến Sứ quán, gặp gỡ và phỏng vấn ông Bùi Tiến Huệ, Công sứ Việt Nam tại Pháp, phụ trách lãnh sự.

Ông Huệ khẳng định là cơ quan đại diện cho Nhà nước Việt Nam tại Pháp, Sứ quán luôn sẵn sàng thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân của mình. Nhưng trên thực tế, thái độ của những người nhập cư bất hợp pháp lại đặt Sứ quán vào tình thế rất khó xử.

Pháp và Việt Nam tuy chưa ký Hiệp định song phương về nhận người trở lại, nhưng hai bên cũng đã tạm thời thống nhất một số hình thức phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Pháp để trao đổi thông tin và hợp tác với nhau trong việc giải quyết các trường hợp người nhập cư bất hợp pháp. “Đối với các trường hợp bị cảnh sát Pháp bắt và yêu cầu xác minh nhân thân, Sứ quán Việt Nam tại Pháp đều sẵn sàng hợp tác và không chối bỏ trách nhiệm tiếp nhận nếu như xác định đúng là công dân Việt Nam, tức là phải có quốc tịch Việt Nam, có nơi thường trú ở Việt Nam trước khi xuất cảnh chứ không phải là cư trú ở nước khác”, ông Huệ nhấn mạnh.Nhưng khi bị bắt, những người nhập cư bất hợp pháp đều khai không đúng sự thật về năm sinh, tên tuổi, quê quán, hay địa chỉ thường trú ở Việt Nam… khiến cho việc xác minh không thực hiện được. Trừ một số người thực sự muốn về vì thấy cuộc sống bất hợp pháp quá khổ và không có tương lai nên đã khai thật. Còn lại đa số các đối tượng được thẩm vấn, do không muốn về nên đều tìm cách nói dối quanh co, đưa ra các thông tin sai lệch, khiến cho phía Việt Nam không thể xác minh được nguồn gốc nhân thân và do đó không có cơ sở để làm thủ tục tiếp nhận lại họ.

Bản thân những người nhập cư cũng thú nhận với chúng tôi rằng họ không thể trở về với một món nợ to lớn để lại nơi quê nhà. Sau tất cả những gian nan, vất vả mà họ nếm trải trong hành trình đến “thiên đường Anh Quốc”, họ chỉ còn cách tiếp tục dấn bước mặc dù không biết ngày mai tương lai của mình sẽ ra sao. Đó cũng chính là lý do khiến những người Việt nhập cư bất hợp pháp tìm cách quanh co, hoặc tránh tiếp xúc, hay liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp.

Các năm trước đây, lượng người Việt nhập cư lậu vào Pháp bị bắt không nhiều. Mỗi năm, phía Pháp chỉ gửi tới Sứ quán trên dưới một chục trường hợp để thẩm vấn và xác minh nhân thân. Nhưng từ cuối năm 2009, số người Việt nhập cư bất hợp pháp bị bắt tăng đột biến do chính quyền Pháp quyết tâm dẹp bỏ tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại vùng Calais và chính sách nhập cư của châu Âu đã siết chặt hơn, nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn kinh tế đến từ các nước kém phát triển.

Con số thống kê cho thấy năm 2009, Sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phải giải quyết 140 trường hợp bị cảnh sát Pháp bắt giữ và yêu cầu xác minh nhân thân. Trong số này, phía Việt Nam chỉ xác nhận được 22 trường hợp và thông báo cho bạn; 82 trường hợp khác không xác minh được do lời khai của người bị bắt không đúng sự thật, nhất là địa chỉ thường trú ở Việt Nam trước khi xuất cảnh, số còn lại đang trong quá trình xác minh.

Trong tổng số 140 người nói trên, đa số khai quê quán ở miền Trung, trong đó nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, tiếp đến Quảng Bình, Quảng Trị, còn lại là các địa phương khác như Hải Dương, Lào Cai, Hà Nội, Thái Bình… Một số đi từ các nước Liên Xô cũ và Đông Âu sang. Một số từ trong nước sang theo con đường du lịch, qua CH Séc, Nga, Đức… rồi vào Pháp. Một số ít nữa là bay thẳng sang Pháp. Hầu hết những người này không có hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân, do đã vứt bỏ dọc đường, hoặc bị bọn đưa người giữ lại để quay vòng sử dụng.

Qua tìm hiểu, thẩm vấn thì được biết phần lớn họ sang Pháp nhờ các đường dây đưa người. Đội quân này có cả người Việt Nam và người nước ngoài, tạo thành mạng lưới hoạt động xuyên quốc gia. Hầu hết những người Việt nhập cư bất hợp pháp bị bắt đều không biết ngoại ngữ và có trình độ học vấn thấp. Họ khai sang đây nhằm mục đích kinh tế. Nghe theo những lời quảng cáo lừa bịp, với mơ ước sang Anh để kiếm việc làm và tiền bạc, họ đã cầm cố, vay nợ, bán nhà cửa để có tiền trả cho các chi phí cho chuyến đi.

Theo ông Huệ, sở dĩ năm 2009 rộ lên chuyện người Việt chạy sang Pháp để tìm đường đi Anh nhiều như vậy là có nhiều lý do. Lý do thứ nhất là việc làm ăn ở Liên Xô cũ và Đông Âu đã khó khăn hơn trước, họ muốn tìm đường sang Anh, nơi họ nghe nói có thể kiếm tiền dễ dàng hơn. Thứ hai là do điều kiện kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, một số người do thiếu thông tin đã nghe những lời quảng cáo, dụ dỗ, lừa gạt của các đường dây đưa người ra nước ngoài, rồi bị chúng “đem con bỏ chợ” ở Pháp sau khi đã thu được “lệ phí”. Thứ ba là nghe thông tin của bạn bè, người thân đã trốn thoát sang được Anh, làm nghề trồng cây thuốc phiện, kiếm nhiều tiền, không những hòa vốn và còn giúp đỡ được gia đình ở quê nhà, nên cố gắng liều một phen để hy vọng đổi đời.

74680712_10218490644291688_7010465140604665856_n

KỲ CUỐI : LỜI SÁM HỐI MUỘN MÀNG

Chúng tôi chia tay những người Việt ở rừng Angres trong ánh sáng nhập nhoạng của buổi chiều tà. Tiễn chúng tôi ra xe là những bóng người lầm lũi, cô quạnh, khác hẳn với dáng vẻ vui mừng lúc sáng. Những lời an ủi, động viên, những ánh mắt lưu luyến làm nao lòng cả người đi, lẫn người ở. Xe lăn bánh, chúng tôi ra về, để lại phía sau những gương mặt thẫn thờ, những ánh mắt níu kéo, những bàn tay vẫy chào luyến tiếc. Những bóng hình khắc khổ khuất dần phía cuối rừng. Trước mặt chúng tôi là con đường cao tốc dẫn đến đường hầm Eurotunnel. Nhìn những chiếc xe tải chạy vội vã trên đường, tôi tự hỏi đêm nay, chiếc xe nào sẽ chở những con người đáng thương kia đến với “thiên đường” mà họ muốn tới.

Những cánh đồng tuyết phủ trắng xóa hai bên đường vùn vụt lùi lại phía sau, nhưng bên tai tôi vẫn còn văng vẳng lời sám hối của những “Người Rừng”. “Nếu biết trước kết cục sẽ là như thế này, tôi chẳng đời nào rời xa gia đình để rồi tự dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vô vọng như thế”, anh Long đã thú nhận với chúng tôi như vậy mặc dù anh biết rằng giờ đây chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Anh không thể về với một món nợ không có gì để trả. Sau bao nỗi khổ ải, cùng cực, phía trước đã là nơi muốn đến, anh không còn đường để lui, dù không biết tương lai cuộc sống ở bên đó như thế nào.

Với hai cô gái trẻ đất Hải Phòng, cái giá phải trả cũng thật quá đắt, cả về vật chất và tinh thần, để rồi cái được chỉ là con số không tròn trịa : không nhà, không cửa, không người thân, không nghề nghiệp, không tiền bạc và cũng không thể quay trở lại được nữa vì đã mất mát quá nhiều. Giờ đây, Thủy chỉ còn biết để cho nỗi ân hận theo những giọt nước mắt chảy dài trên gò má : “Nếu như thời gian có thể quay trở lại, có lẽ em sẽ không bao giờ lựa chọn sự ra đi như thế này”.

Được chứng kiến tận mắt tình cảnh của những người nhập cư bất hợp pháp, được nghe tận tai những câu chuyện kinh hoàng mà họ trải qua, chúng tôi ra về trong tâm trạng vừa giận, vừa thương. Giận vì họ đã tin một cách mù quáng vào những viễn cảnh tươi đẹp mà những kẻ đưa người trái phép vẽ ra để kiếm lợi một cách vô nhân đạo, để rồi bỏ ra hàng chục ngàn USD mua lấy một ảo mộng quá mong manh.

Thương vì họ đã phải trả một giá quá đắt cho một cuộc hành trình đầy gian nan, một cuộc sống vất vưởng và một tương lai ảm đạm nơi đất khách quê người.

Để kết thúc loạt bài phóng sự này, tôi xin được nhắc lại lời nhắn nhủ của chị Annick Pagias, tình nguyện viên thuộc tổ chức Fraternité Migrants : “Các bạn cần phải viết để cho đồng bào các bạn thấy được nỗi cơ cực mà những người nhập cư bất hợp pháp phải chịu đựng. Chỉ vì nghe theo những lời quảng cáo hào nhoáng để tìm đến thiên đường làm giàu, họ đã phải trả cái giá thật quá đắt. Tôi cho rằng, ngay cả khi những người Việt ở Angres có vượt qua được bao nỗi gian truân, vất vả để sang được bờ bên kia, thiên đường đó cũng không phải là của họ. Bởi vì ở nơi đó, công việc mà họ sẽ làm cũng chỉ là lao động bất hợp pháp và cuộc sống của họ rồi cũng vẫn bấp bênh, tương lai cũng bất định mà thôi”.

73269693_10218490644491693_1639468675641638912_n

Bài và ảnh: NGUYỄN THU HÀ
(P/v TTXVN tại CH Pháp)

Hòa nhập tại Pháp

Đọc lại loạt phóng sự 5 kỳ vào năm 2010 của nhà báo Thu Hà (nguyên trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Paris) về tình trạng buôn người và nhập cư trái phép của người Việt vào châu Âu.

Phóng sự điều tra 5 kỳ : NGƯỜI VIỆT NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO ANH

Trên nền tuyết trắng xóa của một cánh rừng ở phía bắc nước Pháp, thấp thoáng phía sau những cành cây khẳng khiu, nổi lên một vài cái túp lều tạm bợ. Ít ai biết rằng đó là nơi tạm trú của những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Họ đang chờ đợi để tìm cơ hội sang Anh, nơi mà họ cứ ngỡ rằng đó là thiên đường, để rồi trải qua biết bao gian nan, nếm trải biết bao cùng cực mà thiên đường ảo mộng đó vẫn mờ mịt như…

Xem bài viết gốc 5 334 từ nữa

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s