Kỹ sư Lê Quốc Việt: Những lựa chọn để có cuộc sống khỏe


Kỹ sư Lê Quốc Việt, với biệt danh Việt Lecoq, là một trong những thành viên Ban Giám khảo của Cuộc thi viết « Nước Pháp – Hành trình và Cảm nhận » dành cho cộng đồng yêu trải nghiệm tại Pháp.

Rất thú vị và hài hước, anh là người của nhiều điều tưởng-như-đối-lập mà hóa ra dung hòa một cách vui vẻ và hài hòa, có thể thấy qua những hoạt động đời thường của anh.  

Là kỹ sư thiết kế xây dựng phần vỏ các nhà máy Điện hạt nhân, anh không hề khô khan, mà còn tham gia nhiều hoạt động với tư cách ca sĩ không chuyên trong những sự kiện văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Anh đã xuất hiện trên sân khấu của Unesco, của Pavillon Baltard, lúc đơn ca, lúc song ca, lúc trong hợp ca, khi hát trữ tình, khi nhạc Trịnh, lúc lại rock,… Câu nói dân gian « đừng trông mặt mà bắt hình dong » với anh Lê Quốc Việt, quả là đúng hơn bao giờ hết, vì sự gầy của anh lại chất chứa nguồn năng lượng dường như là vô tận và quay đảo nhiều chiều !

Bên cạnh âm nhạc, anh còn rất đam mê du lịch, thể thao. Nhận thức được lợi ích của việc đi dã ngoại, anh đã tổ chức nhiều chuyến đi dã ngoại 20-30km cho các bạn sinh viên để các bạn có dịp khám phá những miền đồng quê rất đẹp xung quanh IDF, đồng thời rèn luyện sức khỏe và kết nối bạn bè.

Sang Pháp năm 2003, đến nay, sau 16 năm học tập-làm việc-định cư tại Pháp, anh có một cuộc sống rất tích cực, năng động và đa dạng. Hiện anh là một trong những người Việt « đầu tàu » trong hoạt động dã ngoại đường trường tại Pháp, cũng thuộc thế hệ người Việt Nam trẻ năng động, nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn tích cực cho các bạn sinh viên và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp về những vấn đề khác trong cuộc sống.  34211583_183868895602193_1939613613195001856_n

Anh không thích trả lời dài, thế nên Việt ba-lô (VBL) cùng với anh đã có 1 cuộc đối thoại « hỏi nhanh – đáp gọn », và như thông lệ, chủ đề đa dạng và cởi mở, với tinh thần lạc quan và đầy chia sẻ.

  

VBL : Chào anh Việt. Bạn bè và cộng đồng thường có ấn tượng đầu tiên với anh qua biệt hiệu “Việt Lecoq”. Anh có thể chia sẻ lý do dùng nickname rất “gà trống Pháp” này không?

Kỹ sư Lê Quốc Việt :

Biệt hiệu này gắn với kỷ niệm lần đầu tiên mình đi Préfecture (Sở cảnh sát) để lấy thẻ tạm trú. Ngồi đợi mãi từ 8h sáng đến tận 13h vẫn không thấy họ gọi, mình đang mơ màng ngủ thì nghe gọi Monsieur LECOQ, đoán già đoán non và mạnh dạn nghĩ là họ đang gọi mình, ra hỏi thì đúng thật. Nghe cũng hay, thế là mình dùng luôn.

VBL : Anh đã đặt chân đến bao nhiêu thành phố của Pháp, và anh có thể kể tên những thành phố ấy ?

Kỹ sư Lê Quốc Việt : 

Mình chưa đi hết nước Pháp, nhưng tính theo hướng thì chắc cũng tạm gọi là đủ bốn phương, tám hướng tại Pháp với hơn 20 thành phố chính, chưa tính những làng quê, địa điểm phụ cận.

Những thành phố và địa danh chính mà mình đã đi tham quan ở Pháp, kể tên theo thứ tự của trí nhớ:

Nice, Monaco, Marseille, Toulon, Gorges du Verdon, Pays de Basque, Dordogne, Châteaux de la Loire, Nante, Anger, Tour, Bordeaux, Mimizan, Rennes, Amien, Rouen, Reims, Etretat, Saint Michel, Saint Malo, Cherbourg, Lyon, Strasbourg, Lille, Massif Jura, Station ski : Alpes d’huez, La Féclaz, Les Arcs, La Plagne

Lê Quốc Việt
Anh Lê Quốc Việt đạp xe cùng bạn bè từ Paris đến thung lũng sông Loire. – Photo: Viet Lecoq.

VBL : Trong hành trình cuộc sống tại Pháp, những điều gì nơi đây đã khiến anh ấn tượng tốt và có cảm tình đến tận bây giờ ?

Kỹ sư Lê Quốc Việt :

Thiên nhiên, làng quê Pháp ở đâu cũng đẹp, và điều quan trọng nhất là chế độ chính sách nhân văn bảo vệ hỗ trợ người nghèo và người lao động. Mình cũng chỉ mong 1 ngày Việt Nam ta không còn trường hợp nhiều em sinh viên đỗ đại học mà không có tiền đi học hoặc vì hoàn cảnh gia đình mà phải bỏ học. Hoặc những trường hợp bệnh hiểm nghèo, nhiều gia đình phải bán nhà cửa đi để chữa bệnh.

VBL: Đã có khi nào anh bị định kiến sai về nước Pháp cũng như con người Pháp chưa ?

Kỹ sư Lê Quốc Việt: Chưa.

Nước Pháp, cũng như tất cả quốc gia và xứ sở khác, đều có những mặt khác nhau, mà với người này là phù hợp, người kia thì không, cũng có những điều cần cải tiến, đổi mới, hoàn thiện, cũng có những trì trệ riêng của mình, và những năng động, tích cực mà khi sống vào mới cảm nhận được. Nhưng nước Pháp chưa bao giờ làm mình thất vọng.

VBL: Hiện nay rất nhiều bạn đặt câu hỏi về Việt Nam hay ở lại Pháp, với trải nghiệm và cảm nhận, đánh giá của mình về nước Pháp và cả Việt Nam, anh có chia sẻ gì về vấn đề này ?

Kỹ sư Lê Quốc Việt :

Theo mình về hay ở là do sở thích tính cách quan điểm của từng người. Như trường hợp của mình, vì làm trong ngành xây dựng, mà mình lại không uống được rượu nên nếu ở Việt Nam mà làm đúng ngành thì thành ra rất khổ cho sức khỏe. Chỉ về Việt Nam dịp Tết là mình đau dạ dày rồi. Đối với mình sức khỏe là quan trọng nhất, cho nên mình chọn ở lại Pháp vì bên này môi trường, thực phẩm sạch hơn và Y tế cũng tốt hơn.

Còn về đóng góp cho đất nước, mình nghĩ bây giờ thế giới phẳng rồi, muốn đóng góp thì ở đâu cũng đóng góp được. Ở Việt Nam không thiếu gì người giỏi nên không bao giờ có chuyện là người giỏi đi hết mà chỉ là vấn đề chúng ta dùng thế nào thôi. Còn khi có nhiều người ở lại nước ngoài cũng là 1 nguồn lực rất tốt khi đất nước cần đến. Hiện tại, Việt Nam mình vẫn thiếu nhiều chuyên gia trong một số lĩnh vực, nên khi nhiều người học lên cao và tiếp tục ở lại các nước phát triển để làm việc và nghiên cứu thì sẽ tạo ra một đội ngũ chuyên gia rất mạnh.

Nói về việc này, mình cũng có câu chuyện rất nhỏ liên quan trực tiếp lĩnh vực công việc của mình: Ví dụ trong trường hợp của ngành điện hạt nhân, khi bọn mình được Viện Năng Lượng Nguyên Tử mời về làm hội thảo, mới thấy rằng Việt Nam mình lúc ấy đang muốn xây dựng Nhà máy điện hạt nhân nhưng điều kiện nhân lực gần như ở số 0. Như vậy, rõ ràng là việc làm việc và tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm nước ngoài sẽ tạo cho Việt Nam một nguồn nhân lực sẵn có rất hữu ích khi đất nước bắt đầu phát triển một số lĩnh vực mà ở nước ngoài đã hình thành từ lâu. Tất nhiên theo quan điểm của mình thì Việt Nam không nên làm (đó cũng làm đóng góp cho sự quyết định sáng suốt mà sau này Việt Nam không làm dự án này nữa).

VBL : Theo anh điều quan trọng nhất khi chuẩn bị và bắt đầu chọn hành trình sống tại Pháp lâu dài là gì ?

Kỹ sư Lê Quốc Việt :

Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất, rồi tất nhiên là phải hiểu văn hóa và con người Pháp. Đối với các em sinh viên, mình cho rằng nên đầu tư một năm học tiếng Pháp « tới bến », khi tiếng Pháp tốt rồi thì nhiều năm sau đó mọi thứ sẽ thuận lợi. Cho nên năm đầu học tiếng Pháp là năm quan trọng nhất, nếu không thì sau đó sẽ có nhiều giới hạn ngay trong những hoạt động cơ bản như giao tiếp, trao đổi, tìm việc, kết bạn, giải trí (xem phim, nghe nhạc,…).

VBL: Chắc chắn cuộc sống ở Pháp sẽ có những lúc cô đơn, thiếu gia đình lớn. Anh đã làm gì để vượt qua những khi đó ? Anh chia sẻ thêm kinh nghiệm cho những bạn mới sang Pháp.

Kỹ sư Lê Quốc Việt:

Mình nghĩ đơn giản lắm, sức khỏe là quan trọng nhất, mình khỏe là mình may mắn hơn tỷ người rồi, nên chẳng có lý do gì mà buồn cả. Mình rất may mắn vì mẹ mình là bác sĩ, nên từ bé đã bị « nhồi » tư tưởng này vào đầu. Mẹ thì ai cũng muốn ở gần con cái, nhưng mẹ mình thì luôn động viên, các con cứ ở đâu mà khỏe là mẹ  vui !

VBL : Theo tính cách vui vẻ và hài hước của mình, anh có thể kể ra một số từ khóa « đúc kết » cảm nhận của anh về nước Pháp không ?

Kỹ sư Lê Quốc Việt:

Uhm… la vie est belle, rando, compagne, montagne, plage… Cuộc sống của mình có dã ngoại đường trường, đi núi, xuống biển, bạn hữu… Nếu để minh họa thì bộ phim mà mình thích nhất là phim « Vive La France » với những câu cảm thán rất phim, nhưng ở góc độ khác thì cũng rất thật: nước Pháp đẹp quá, đồ ăn ngon quá, thiếu nữ Pháp « bốc lửa » quá đến nỗi khủng bố cũng phải từ bỏ ý định đánh bom tháp Eiffel…

Dù thế nào, cuộc sống ở Pháp vẫn đẹp vì đa dạng, có càm ràm và có cả tỏ tình, cả hai đều rất Pháp !

VBL: Cảm ơn anh và hẹn anh cùng những bài viết dự thi sắp tới.

Thông tin cuộc thi – Hạn chót: ngày 11/11/2019.

cover fb - affiche cuoc thi viet

Advertisement

1 Comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s