Cuộc thi “Nước Pháp – Hành trình và Cảm nhận” khi đưa lời mời đến biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn đã nhận được sự đồng ý tham gia nhiệt tình của anh. Đây là một tin vui cho các bài viết và tác giả tham gia, vì anh hiện đang là một trong những biên tập viên trẻ nổi bật tại Việt Nam với kinh nghiệm, tài năng, trách nhiệm và tâm huyết cao trong lĩnh vực biên tập sách, đặc biệt với các đầu sách văn hóa, bút ký.
Trẻ và rất năng động, biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn chỉ vừa qua 30 tuổi mà đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên tập viên chuyên nghiệp tại Việt Nam. Điều đó có được từ sự vào đời khá sớm của anh từ khi còn là sinh viên, không chỉ là sinh viên giỏi với những giải thưởng, học bổng, mà còn sự chủ động tìm kiếm những công việc mà mình yêu thích.
Sự nhã nhặn, thư sinh và nụ cười tươi của anh được kèm với cá tính mạnh mẽ và tinh thần quyết tâm.
Cá tính mạnh ấy đã đưa anh đến quyết định chọn một con đường khó và hiếm trong việc học với ngành Hán-Nôm và trở thành một sinh viên giỏi của một lĩnh vực đầy mâu thuẫn tại Việt Nam: vừa rất thiếu người lại vừa thiếu việc. Ngoài ngành Hán-Nôm, anh còn thông thạo tiếng Nhật và yêu thích lĩnh vực văn hóa nói chung. Với cá tính mạnh mẽ, anh cũng đã tìm được cho mình những công việc vừa đúng với chuyên môn vừa đúng với sở thích: biên tập sách mảng văn hóa của những nhà xuất bản lớn, có uy tín của Việt Nam. Con đường ấy hẳn không hề dễ dàng, nhưng khi gặp Sơn, cá tính và tâm hồn của anh lý giải cho tất cả.
Ngoài công việc, Sơn còn yêu thích tìm hiểu các tư liệu và thông tin văn hóa thế giới, mục tiêu ấp ủ vẫn là “tìm về được những thông tin của Việt Nam đang rải rác lưu trữ khắp nơi trên thế giới”, và “ủng hộ những người Việt Nam trong lĩnh vực viết sách”.
Hiện nay, ở vị trí người trách nhiệm chính một số mảng sách, biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn đã tìm được nhiều bản thảo tốt để giới thiệu cho các nhà xuất bản, đồng thời “gọt giũa” xuất bản nhiều đầu sách văn hóa thuộc dạng vừa khó về nội dung vừa có bề dày về tư liệu, cần người “cao tay” trong công việc đối chiếu, biên tập, hiệu đính. Bản thân anh cũng là tác giả của một số quyển sách văn hóa bằng thế mạnh về ngôn ngữ tiếng Nhật và Hán-Nôm.
Vui vẻ, trẻ trung, biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn đã chia sẻ với Média 99 những góc nhìn và hy vọng của mình đối với cuộc thi.
Média 99: Chào anh Sơn, được biết anh là thành viên Ban giám khảo Cuộc thi viết “Nước Pháp – Hành trình và Cảm nhận” dành cho cộng đồng tác giả Việt Nam có những trải nghiệm tại Pháp. Với góc nhìn của một biên tập viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ vài nhận định cá nhân về thể loại sách trải nghiệm, hay bút ký của những tác giả Việt Nam không? Và vị trí của mảng sách này hiện phát triển như thế nào trong thị trường sách tại Việt Nam?
Biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn:
Cảm ơn Média đã gọi mình là biên tập viên chuyên nghiệp. Thực ra trước mình còn rất nhiều thế hệ đàn anh, đàn chị biên tập viên rất giỏi giang, họ xuất sắc hơn mình, và đó là động lực lớn nhắc mình luôn cố gắng ngày càng nâng cao chuyên môn hơn.
Trở lại với thể loại du ký, bút ký của người Việt Nam, theo mình, mảng ấn phẩm này đã được phát triển từ đầu thế kỷ XX. Những bậc tiền bối như Nguyễn Bá Trác, Phạm Quỳnh… đều có những du ký đáng quý. Thế nhưng sau đó hoạt động viết này trầm lại. Khoảng từ năm 2016 trở lại đây thì trào lưu viết và xuất bản sách du ký, bút ký, du lịch trải nghiệm lại được trở lại với nhiều tác giả, tác phẩm đáng chú ý, và đặc biệt có những công ty sách còn thành lập hẳn một mảng riêng cho thể loại này.
Média 99: Theo anh, điều quan trọng nhất đối với nội dung bài viết của thể loại này là gì?
Biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn:
Không biết mình có khó tính hay không, nhưng với mình thì những bút ký cần phải hội tụ được một vài yếu tố như:
– sự trải nghiệm trực tiếp của bản thân,
– ngoài ra người viết cần xoáy sâu vào cơ tầng văn hóa, yếu tố bản địa đằng sau những điều, những vật mà bản thân được trải nghiệm, để từ đó thấy được điểm thú vị, độc đáo cũng như hạn chế bất cập.
Tức là ngoài việc bản thân mô tả những điều mắt nhìn tai nghe thấy thì cần đào sâu tìm hiểu những yếu tố xung quanh cấu thành nên điều đó. Như thế mới thực sự là trải nghiệm sâu sắc và có giá trị.

Média 99: Cách đọc, tìm kiếm thông tin, cảm nhận của anh khi cầm trên tay những đầu sách này ở vị trí biên tập viên và độc giả có gì khác nhau không?
Biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn:
Với mỗi thể loại mình có cách chọn và cách đọc khác nhau.
Nếu như là sách khảo cứu lịch sử, văn hóa thì mình thường căn cứ vào mục lục, danh mục tài liệu tham khảo để lựa chọn sách đọc.
Còn với mảng sách du ký thì mình lựa chọn dựa vào chủ đề độc đáo thú vị mà tác giả lựa chọn, mình quan tâm những chủ đề độc, lạ và trước nay ít người đề cập đến nó.
Còn với góc độ độc giả, mỗi người có một “gu” đọc và chọn sách khác nhau, có người vì thấy tựa sách hay nên chọn, có người dựa vào yếu tố tác giả quen thuộc, có người sẽ dựa vào bìa sách bắt mắt mà chọn… Nhưng hơn hết vẫn là nội dung và cách viết mới là thứ có đọng lại trong độc giả lâu hay không!?
Média 99: Đã có những quyển sách nào về thể loại này gây cho anh ấn tượng sâu sắc chưa? Và ấn tượng ấy là về điều gì: trải nghiệm du lịch, trải nghiệm cuộc sống-hòa nhập, những câu chuyện không màu hồng,…?
Biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn:
Thể loại này mình đọc không quá nhiều nhưng cuốn để lại ấn tượng sâu sắc nhất với mình đó là cuốn “Con đường Hồi giáo” của tác giả Phương Mai.
Lý do đầu tiên là bởi vì cuốn sách này đề cập đến những trải nghiệm của tác giả ở vùng đất Trung Đông với những đất nước theo Hồi giáo và lĩnh vực tôn giáo mà mình quan tâm.
Lý do thứ hai là, tác giả đã không dừng lại ở việc mô tả đơn thuần trải nghiệm mà vẫn lồng ghép những tri thức lịch sử, khảo cứu, văn hóa, điều này tạo sự hấp dẫn và thu hút người đọc.
Média 99: Anh có mong đợi gì cụ thể từ các bài viết của cuộc thi viết “Nước Pháp – Hành trình và Cảm nhận” không?
Biên tập viên Nguyễn Mạnh Sơn:
Mình thực sự rất hy vọng những bài viết được gửi về tham dự cuộc thi viết “Nước Pháp – Hành trình và Cảm nhận” sẽ độc đáo, hấp dẫn.
Mong các bài viết đều mang một chất riêng, có hồn riêng, chủ đề lạ, để không bị hòa lẫn vào vô vàn những câu chuyện đã và đang có. Mình thực sự đang rất hồi hộp mong chờ được đọc các bài viết tham dự cuộc thi.
Média 99: Cảm ơn anh rất nhiều và hẹn anh trong các trao đổi sắp tới về các bài dự thi.
Một vài quyển sách đáng kể đã được anh Nguyễn Mạnh Sơn tìm kiếm tư liệu, “gọt giũa” đối chiếu, hiệu đính để xuất bản ở vị trí người tuyển chọn, dịch giả:
– Nhật Bản qua lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX từ nguồn tư liệu báo chí, Nguyễn Mạnh Sơn tuyển chọn. Cuốn sách là tuyển tập các bài viết của các tác giả được đăng trên báo, tạp chí, tập san… đầu thế kỷ XX về Nhật Bản, với mong muốn tìm hiểu nhận thức của người Việt về đất nước Nhật Bản đầu thế kỷ XX là như thế nào.
– Xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII của Nguyễn Trọng Phấn (Kiều Mai Sơn, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Trung Thành sưu tầm và giới thiệu)
Sưu tầm những bản dịch, bài viết của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Phấn (1910-1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị từ năm 1941đến năm 1945. Nội dung các bài viết mô tả xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII qua sự quan sát, ghi chép của những người phương Tây đến Việt Nam vào thời gian đó.
– Ba gã say luận đàm thế sự của Nakae Chomin (Dịch giả: Võ Vương Ngọc Chân và Nguyễn Mạnh Sơn). Tác giả Nakae Chomin được xưng tụng là Rousseau của phương Đông và cuốn sách được xem là tác phẩm đỉnh cao đại diện cho văn minh thời Minh Trị.
– Nghề sách Trung Quốc – Dịch giả: Nguyễn Mạnh Sơn dịch.
…
Một số sách chất lượng do anh Sơn biên tập đã được xuất bản:
– Ngũ luân thư
– Nhật Bản duy tân 30 năm
– Lịch sử tư tưởng Nhật Bản
– Thế giới khác đi nhờ có bạn
– Nam hoa kinh.
…
Cuộc thi viết “NƯỚC PHÁP – HÀNH TRÌNH VÀ CẢM NHẬN”.
Hạn chót nhận bài: ngày 11/11/2019.
1 Comment