Ký ức không màu hồng #2: Nostalgie – Sự quay về & Nỗi đau


Những dòng sông đều có hướng cho dòng chảy của mình và cứ thế tuần tự trôi đi suốt bốn mùa, dọc theo những bờ tường, băng qua những cây cầu, chạy qua những cánh đồng, những làng quê… và xa xôi mãi mãi đến một nơi nào đó.

Dòng chảy cũng chở đi những hoài vọng của người ven đường ngồi ngắm sông. Họ ngồi ấy ở thời điểm con sông chạy qua, lúc họ đang đưa cho nhau những câu chuyện, những tâm tình, những lời hứa, những ánh mắt, nụ cười và nỗi buồn… Họ nhìn vào dòng nước và giữ nó lại trong ký ức, cứ thể như nó cố định ở đó để làm chứng nhân của thời khắc ấy.

Dòng sông lướt qua chúng ta và vẫn tiếp tục chảy, rồi mang tất cả những thời khắc ấy chuyển hóa thành một dạng tồn tại khác. Có thể một ngày nào đó, trong một trận mưa rào rơi xuống tay ta, có những giọt mưa từng thuộc về dòng nước hôm nào rọi sáng nụ cười và lời hứa của chúng ta. Hoặc cũng có thể trong sự khô cạn của thời tiết, ánh nắng đang làm vỡ tan những tinh thể nước từ đoạn sông ôm trọn giọt nước mắt chúng ta hôm nào

Tôi cũng đã ngồi cạnh sông Seine rất nhiều lần. Nghĩ lại, thật sự là quá nhiều lần, nhiều hơn mong đợi của bản thân dành cho việc này, dường như chạm đến giới hạn của trí nhớ và tình cảm mỗi khi nhớ về kỷ niệm với từng người bạn đã cùng mình ngồi cạnh dòng nước nổi danh nhất thế giới này. 

Tôi cũng đã từng ngắm mưa nhiều lần, thầm mong khi tay mình giơ ra thì sẽ có thể tìm lại được giọt nước ký ức ngày xưa, vào mùa hè lại thầm mong nhận được hơi ẩm trong làn gió nóng chút mát dịu của nụ cười từng nở bừng bên dòng sông.

Đôi khi lạc quan hơn, tôi nghĩ rằng dù sông có thể không bao giờ chảy ngược lại hướng chảy của mình, nếu xảy ra điều đó thì hàng loạt báo chí sẽ gọi đó là điều kỳ diệu – cách gọi cho một điều mà cơ bản là rất hiếm khi xảy ra trong đời thường, hiếm đến nỗi mà ta không nên mong chờ nó – dẫu vậy, vẫn có những điều khác có khả năng quay lại hướng mà nó đã từng ra đi. Ví như những người bạn của tôi chăng !?

***

Tôi và nhiều người bạn đã ra đi từ Việt Nam để đến Pháp. Sau một thời gian, tôi mất liên lạc với một số người, và những người còn lại thì rời nước Pháp. Họ đi khỏi nước Pháp và có thể đi đến một đất nước nào đó nữa, hoặc có thể để về Việt Nam. Hầu như tôi không còn gặp lại những người bạn đã đi khỏi nước Pháp, trừ vài người, đếm ra chưa trọn hết các ngón trong một bàn tay. Dù có muốn hay không, điều buồn nhất còn lại trong ký ức là về những người bạn mà tôi đã không bao giờ được gặp lại, không phải vì mất liên lạc, cũng chẳng phải vì họ đã rời Pháp, mà vì họ đã mất.

Rất thường xuyên, tôi nhớ tất cả những lần mình ngồi bên sông Seine cùng với bạn hữu. Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra rằng có một điểm chung trong những cuộc đối thoại bên bờ sông. Đó là chúng tôi đã nói về sự hoài niệm.

Một trong những người bạn đã nhắc đến từ nostalgie với ý nghĩa đại chúng nhất là sự hoài niệm, luyến tiếc về một thời mà mỗi người chúng tôi đã bỏ lại ở quê nhà để đến một đất nước mới. Khi nghĩ về quá khứ, ta thấy tuổi trẻ. Mọi thứ trong quá khứ đều trẻ hơn mọi thứ trong hiện tại, và ta tiếc điều ấy. Mọi điều trong quá khứ, dẫu phức tạp đến đâu, thì trong không gian của hoài niệm dường như cũng được trẻ hóa, đơn giản hóa, thanh xuân hóa. Ta dường như dằn vặt hay trăn trở trong hiện tại hơn khi hoài niệm, mà không thấy rằng, hiện tại có khi đang là những sự lặp lại của quá khứ ấy : ta của quá khứ cũng từng dằn vặt và trăn trở, ta của hiện tại cũng vẫn còn sức và tuổi trẻ, thế nhưng cái « ta của quá khứ » dường như vẫn lung linh hơn, vẫn tràn trề năng lượng hơn… Ở nơi xa, khi ta hoài niệm, nghĩa là ta đang nhớ nhà.

Một người bạn của tôi đã nói rằng : Cái nhớ nhà như muốn thiêu đốt anh ấy, làm việc gì, anh ấy cũng chỉ muốn bay về Việt Nam.

Sau này, tôi ngồi tìm về nguồn gốc ban đầu của từ nostalgie, thì biết rằng từ này được tạo ra bằng cách ghép 2 từ Hy Lạp cổ là : nóstos – sự quay lại, và álgosnỗi đau. Sự quay lại và nỗi đau, hay sự mòn mỏi, khao khát được quay trở lại –  « nỗi nhớ nhà ». Đó là một dạng xúc cảm của khao khát, sâu hơn sự hoài niệm ở tầng nghĩa thứ nhất về một kỷ niệm hay con người, mà nặng nề chứa đựng sự đa tầng về một chuỗi những kỷ niệm và nhiều con người. Nhờ đó, tôi mới biết ở châu Âu, khái niệm « nỗi nhớ nhà » vốn đã được gắn với nỗi đau. Bao nhiêu người khi nhớ nhà, khi nhận ra nỗi đau của mong ước được quay về, lại có thể được trở về?

Người bạn tôi nhớ nhà như điên.

Gần 50 tuổi, anh ấy vẫn độc thân vì không muốn bất kỳ sự ràng buộc nào bắt anh ấy phải ở lại Pháp, vì vẫn mong đợi một ngày có thể về Việt Nam và tạo dựng một cuộc sống thật sự ở Việt Nam. Nhưng mà, bạn của tôi đã không thể về Việt Nam khi anh ấy còn sống, hy vọng rằng điều anh muốn được thực hiện sau đó.

Anh ấy làm việc phục vụ bàn tại một nhà hàng. Lúc đầu là anh bỏ học để đi làm vì kiếm tiền quá dễ dàng cho sinh viên, nhưng sau vài năm, vài chục năm thì mọi thứ dường như không thể thay đổi nữa khi mà lương phục vụ bàn dù ở nhà hàng nào cũng vẫn thế, kỹ năng công việc cũng vẫn thế, giao tiếp xã hội và ngôn ngữ cũng vẫn thế. Đổi việc không có nghĩa là đổi cơ hội sống, không có nghĩa là thăng tiến, cũng không có nghĩa là nhiều tiền hơn, thậm chí là mức độ cạnh tranh càng cao hơn cùng tuổi tác khi so với các em sinh viên trẻ, khỏe, dễ tiếp thu công việc hơn rất nhiều.

Lương đủ sống cho một người như anh: thuê phòng nhỏ, thỉnh thoảng có bạn gái cho đỡ buồn rồi lại chia tay, thỉnh thoảng lại đổi việc, thỉnh thoảng lại đi du lịch cùng nhóm bạn để có được chi phí rẻ, và thường xuyên gửi tiền về cho gia đình. Dù có tiết kiệm thế nào, anh cũng không đủ tiền để mua vé máy bay về Việt Nam và thể hiện sự dư dả như gia đình, bạn bè ở Việt Nam vẫn thường hình dung. Anh nghĩ rằng, nếu về nhà với chiếc ví nhẹ tênh, gia đình hẳn sẽ rất thất vọng, và anh cũng không muốn giải thích điều đó cho bất kỳ ai. Một mình anh chịu áp lực là đã đủ !

Nhưng nỗi nhớ nhà cứ làm anh mòn mỏi và khắc khoải. Hơn 20 năm tại Pháp, bao lần đổi việc, nhưng thực tế vẫn vậy. Sự vô định về tương lai làm cho người ta mất định hướng và động lực sống. Nhiều lần anh bày tỏ sự mất ý chí. Cứ thế, anh mệt, anh bệnh, và anh vắng mặt tại nơi anh làm.

Nghề nhà hàng luôn có nguồn nhân lực dồi dào vì không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm trong quá khứ. Vì vậy, việc anh gọi điện cáo bệnh và rồi nghỉ việc nhiều ngày không phải là chủ đề bận tâm. Anh nghỉ việc thì anh không có lương, thế thôi, và nhà hàng thì vẫn có người.

Một tuần, hai tuần anh vắng mặt rồi. Bạn bè gọi điện cho anh, nhưng anh không trả lời. Nhiều lần như vậy, họ gọi cho nhà hàng thì biết anh bệnh. Bạn anh ghé đến nhà anh để định lôi anh ra ngoài đi ăn.

Họ sững sờ và từ chối tất cả những dự đoán vì khi vừa bước vào tầng nhà anh ở thì đã nghe mùi khủng khiếp trong hành lang. Lúc ấy là mùa hè, hầu như hàng xóm chung tầng với anh đều vắng nhà. Mùi khủng khiếp ấy tập trung mạnh nhất ngay trước cửa nhà anh. Cảnh sát nhận điện chạy đến. Xe cứu thương nhận điện chạy đến. Bạn anh ngất ngay trong hành lang.

Khám nghiệm hiện trường cho thấy là anh bị sốc thuốc, và có thể do bị choáng nên trượt chân ngã và đập đầu chấn thương. Lúc đầu là hôn mê, sau đó không kịp cứu chữa nên đã ra đi. Có nhiều đồn đoán về loại thuốc anh dùng, nhưng tôi nhận được tin, cũng sốc không kém gì những người bạn khác, và không quan tâm đến chi tiết nào trong hồ sơ, chỉ nhận thức được về việc anh ra đi quá đỗi đột ngột. Vì cơ thể anh lúc được phát hiện đã trong tình trạng nghiêm trọng, nên sau các thủ tục khám nghiệm thì lập tức hỏa táng.

Tôi thật sự không biết gia đình anh đã phản ứng như thế nào khi nhận được tin.

Tôi cũng không biết chuyện gì đã thật sự diễn ra trong những giờ phút cuối của anh. Anh có hay biết gì không ? Anh có tỉnh táo lại không ? Anh có ước muốn gì không ? Anh có di nguyện gì không ? Anh có thật sự muốn sống không ?

Tôi chỉ biết là anh nhớ nhà như điên.

Tôi chỉ biết anh làm mọi thứ để gia đình thấy mình có cuộc sống ổn định và có thu nhập bên đây, nói với họ rằng anh bận rộn đến nỗi chẳng bao giờ có thời gian về thăm gia đình.

Tôi chỉ biết anh còn không đủ tiền mua một vé máy bay cho bản thân, và kèm theo tấm vé đó hẳn nhiên là quà tặng, là ngân sách chi tiêu ở Việt Nam để có thể làm cho gia đình yên tâm. Anh không đủ tiền cho tất cả những điều này, anh chỉ có nỗi đau của sự quay trở lại. Nỗi đau vì mình không thể quay về. Nỗi đau vì một câu chuyện mà anh là nhân vật chính, là người trợ giúp mọi người và không có quyền thể hiện sự khổ sở về vật chất cũng như khổ tâm về tinh thần. À, anh có quyền thể hiện, nhưng không phải với gia đình, mà chỉ với những người bạn tại Pháp đã quá hiểu đời sống nơi đâu cũng phải có sự lao động, kèm một chút may mắn và rất nhiều nghị lực để thay đổi.

***

Anh từng nói khi cả nhóm ngồi cạnh sông Seine : Anh muốn mở một trường dạy cách tự vệ cho trẻ em và thiếu niên tại Việt Nam. Anh đi Pháp với những ước mơ. Và anh sai lầm khi từ bỏ ước mơ của mình quá sớm. Thôi, giờ thì anh hứa là anh sẽ cố gắng dành dụm để thực hiện 1 phần ước mơ của mình, không mở trường được thì cố gắng về Việt Nam dạy cho mấy đứa nhỏ hàng xóm vậy.

Dòng sông đã trôi ngang qua chúng tôi thời điểm đó.

Chúng tôi đã cụng bia và cười tít mắt thời điểm đó.

Anh đã đưa ra lời hứa ở thời điểm đó.

Chúng tôi đã cùng nhìn dòng sông lúc ấy, ghi nhớ ký ức cứ như thể dòng sông cố định làm nhân chứng cho lời hứa của anh và cho một kết thúc hoàn hảo.

Dòng sông lại trôi đi, trời mưa lâm râm cuối hè. Chúng tôi cười to mà bảo rằng, mưa cũng từ nước sông mà ra đấy thôi.

Sau này, mỗi khi có một cơn mưa xuống, tôi lại mong rằng khi tôi giơ tay ra, khoảnh khắc ấy lại có thể trở về sau một vài giây ngưng động, và chúng tôi lại tiếp tục hay bắt đầu lại mọi việc.

***

Thật tình mà nói, ngày hỏa táng anh, tôi không đến tham dự vì biết mình không thể bình tĩnh như thông thường. Tôi cũng không biết gia đình anh có ai qua Pháp hay không. Tôi cũng không biết những người bạn khác như thế nào. Chúng tôi mất liên lạc. Đơn giản như mong muốn đoạn tuyệt với một chủ đề chung kinh khủng.

Có đôi khi, tôi gặp lại một vài người bạn năm ấy, chúng tôi cười nhìn nhau, uống với nhau vài ly bia, hỏi thăm hiện tại, và luôn ngồi ở quán nước gần sông Seine – có phải như một cách cùng nghĩ đến anh!? Khi chia tay nhau, chúng tôi cũng chẳng nói « Hẹn ngày gặp lại ! », mà chỉ nói là : « Giữ sức khỏe, dù thế nào mọi việc vẫn tốt. Nhớ về Việt Nam, nếu muốn, dù không có tiền. » Nói câu cuối xong, chúng tôi quay lưng đi thật nhanh, vì hẳn cũng như tôi, những người còn lại đều không muốn cho nhau thấy mình đang bặm môi nén một tiếng nấc.

***

Có những ký ức, mỗi khi nghĩ lại, ta lại nhận ra thêm là nó đã và đang làm thay đổi bản thân ta một cách chậm rãi và sâu sắc tận gốc rễ.

Hiện tại khổ sở ư ? Hiện tại buồn bã ư ? Hiện tại mất việc ư ? Hiện tại thất tình ư ?… À, có hề gì đâu chứ khi ta nghĩ lại về những ký ức ấy. Có rất nhiều thứ ta có thể bắt đầu lại từ đầu, có vấn đề gì đâu. Có nhiều thứ ta mất trắng đấy, thì vẫn có vấn đề gì đâu. Ta vẫn còn cơ hội để làm lại, vẫn còn những địa điểm có thể quay lại, vẫn còn những ký ức để quay ngược lại mà nhìn rõ hơn ta ngày hôm nay mong muốn điều gì.

Trong khi có một số điều rõ ràng không thể nào quay lại đoạn đường đã qua. Và số phận thì sao ? Tôi vẫn tự hỏi rằng, nếu chúng tôi nói với nhau sớm hơn câu « Hãy cứ về Việt Nam nếu muốn, dù không có tiền » thì điều đó có thể thay đổi được khoảnh khắc nào đối với số phận của anh không ?

Tại sao chúng ta cứ phải chúc nhau thành công để mới làm được những điều ta mong muốn ? Tại sao ta không cứ làm điều ta mong muốn trong khả năng của mình, và xem đó là một thành công ?

Hẳn là vẫn bao nhiêu người Việt có nỗi nhớ nhà – nostalgie – đầy khắc khoải và mòn mỏi tại Pháp. Họ nhớ nhà muốn điên, nhưng lại không về được vì nhiều lý do. Bên Pháp, mỗi năm đều rất nhiều trường hợp bị đột tử khi ở nhà một mình.

Tôi không đề nghị bất cứ giải pháp gì.

Tôi chỉ kể lại một trong những ký ức, và biết rằng dù dòng chảy sông Seine có trôi về nơi nào xa mãi mãi, tan biến bốc hơi mất, thì những ký ức vẫn theo tôi cả đời.

Chưa bao giờ, nắng và mưa ở Paris lại nhiều ý nghĩa với tôi như vậy !

 

Paris, 11/2019

Ngọc Duệ

Bài viết chia sẻ cùng Cuộc thi viết “NƯỚC PHÁP – HÀNH TRÌNH VÀ CẢM NHẬN”, không phải bài dự thi.


Hạn chót nhận bài thi: 00h00 ngày 11/11/2019

Thông tin cuộc thi tại:cover fb - affiche cuoc thi viet

Advertisement

1 Comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s