Vào ngày thứ hai 11/11/2019, một báo cáo của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã GWC toàn cầu trên tạp chí Nature Ecology & Evolution đã làm chấn động giới khoa học và bảo vệ động vật quý hiếm: Lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ, một sinh vật đã mất dấu vết trên toàn thế giới đã được ghi hình tại Việt Nam về sự tồn tại của mình, đó là loại hươu lai chuột (cerf-souris).
Trang thông tin Pháp France Info cùng nhiều báo mạng tại Pháp đã đăng thông tin này và nhận được sự quan tâm đáng kể của công chúng.
Đây là loài động vật có kích thước như một chú chó nhỏ, không có sừng nhưng chân có guốc như hươu nai, thân có bộ lông màu nâu đỏ mượt mà, sống lưng có ánh bạc, là một trong những động vật bí ẩn của châu Á mà các nhà khoa học và bảo vệ động vật quý hiếm đã hoàn toàn mất dấu vết về sự tồn tại của nó trong 1/4 thế kỷ – lần cuối nhìn thấy chúng là tịch thu từ một người thợ săn. Loài động vật này nằm trong danh sách những loài động vật tuyệt chủng được tìm kiếm nhiều nhất của tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu Global Wildlife Conservation (GWC).
Theo nghiên cứu, loài chuột hươu đã có mặt phổ biến trên trái đất cách nay 34 triệu năm đến 5 triệu năm. Từ đó đến nay, chúng không có sự thay đổi nào về hình dạng, hầu như vẫn giữ được các đặc điểm nguyên thủy điển hình nên vô cùng quý hiếm. Chúng ăn chay, đặc biệt thích các chồi non, nấm, hoa quả, các loạt hạt,… thỉnh thoảng cũng có thể ăn vài loại côn trùng trong trường hợp cần thiết. Chúng hiền lành, đáng yêu, không có sức kháng cự lớn nên thường sống ở những nơi xa các loài thú dữ và con người.
Ở Việt Nam, loài động vật này có tên gọi là cheo cheo, hoẵng gà hay hươu chuột. Loại cheo cheo sống lưng bạc, tên khoa học là Tragulus versicolor, thường được phát hiện ở khu vực Trung Bộ, từ Đà Nẵng trở vào nam; còn loại cheo cheo khác, Javanicus, thì thường xuất hiện ở ngoài bắc. Cả 2 loại còn rất ít, đều nằm trong sách đỏ và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Sau nhiều chiến dịch tìm kiếm bằng cách lắp đặt caméra ở nhiều nơi suốt 5 tháng, đã ghi nhận được 1.881 lượt hình về loài vật này trước sự ngỡ ngàng và vui mừng của mọi người. Tuy nhiên, ông An Nguyễn – nhà nghiên cứu sinh vật học Việt Nam tại tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC) cho biết – nói rằng “Việc tìm ra được dấu vết của loài động vật này một cách dễ dàng không có nghĩa là chúng không bị đe dọa tuyệt chủng.”

Trước đây, đã nhiều bài báo của Việt Nam nói về loại động vật này, nhà báo Phong Bình đã có một bài về chuột hươu và nạn lâm tặc trên trang Báo Mới:
“Nhiều tin đồn vô căn cứ cho rằng chuột hươu ngâm rượu sẽ có công dụng giúp cải thiện sinh lý nam giới, chữa nhiều bệnh nan y, khiến thị trường chợ đen săn lùng chuột hươu ráo riết. Nhiều bợm nhậu con ngâm con vật này trong rượu để uống.
Chuột hươu bị lâm tặc rao bán
Theo các nhà khoa học, hiện ở Việt Nam chỉ còn dưới 1 vạn con, phân bố rải rác ở nhiều nơi, trong đó chủ yếu ở Tây Nguyên và một vài vùng rừng núi phía Bắc. Chúng được đưa vào sách đỏ năm 2000, nhưng hầu như chưa có nghiên cứu nào về chúng và chưa có chiến lược bảo vệ sự sinh tồn của chúng.”
Vì vậy, những phát hiện mới nhất này về dấu vết của loài hươu lai chuột đã gióng lời kêu gọi mạnh mẽ cho hành động cần phải nhanh chóng bảo vệ những gì còn sót lại, có những biện pháp để giảm thiểu tối đa việc bẫy động vật cho mục đích buôn bán động vật hoang dã. Ông An Nguyễn nói: “Chúng tôi đang nhanh chóng tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ nó và không để cho chúng bị diệt chủng”.
Theo TS Lại Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học (thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam), sự suy giảm của các loài động vật quý hiếm phần lớn do tác động của con người có thể do cố ý hoặc vô ý mà phá hoại môi trường sống của các loài.
“Quan trọng nhất là phải bảo vệ được hệ sinh thái, sinh cảnh để nó sinh trưởng an toàn trong đó, tránh xa sự can thiệp của con người. Loài này khi bị phát hiện rất dễ bị săn bắt, giết để ăn thịt nên cần nâng cao việc tuyên truyền, cảnh báo”, ông Hiền nói.
Ông cũng bày tỏ lo ngại việc phát hiện cá thể quý hiếm ở đây có thể khiến người dân và khách du lịch tò mò, muốn đến xem, xâm hại đến môi trường sống của loài này. Ông đề nghị cần đưa các cá thể còn lại này vào các khu bảo tồn, hoặc lập nhiều lớp vành đai để ngăn không cho con người tiếp cận.
Đoạn vidéo do phóng viên Robert Prudent ghi chú về loài động vật tưởng như đã bị tuyệt chủng này.
Média 99 tổng hợp thông tin
Nguồn tham khảo:
https://news.zing.vn/vi-sao-cheo-cheo-bien-mat-o-viet-nam-suot-30-nam-post1012655.html