Ngày 20/11/2019, tại hội trường Đại học Sorbonne, tác giả Amandine Dabat đã có buổi giới thiệu để ra mắt quyển sách về vua Hàm Nghi tại Pháp sau khi ông bị đi đày, mang tên Ham Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger (tạm dịch: Hàm Nghi, hoàng đế lưu đày, nghệ sĩ tại Alger).
Đây là quyển sách đầu tiên nói về giai đoạn cuộc đời này của vua Hàm Nghi vốn trước nay chưa từng được nhắc tới rõ ràng. Quyển sách đã đưa ra những luận chứng, câu chuyện thực tế, trao đổi thư từ của vua Hàm Nghi, cũng như qua lời kể nhân chứng từ những người đã gặp, tiếp xúc với ông… để khắc họa hình ảnh một Hàm Nghi trong hoạt động thường ngày và hoạt động nghệ thuật tại Alger.
Quyển sách là kết quả từ công trình luận án tiến sĩ của cô Amandine Dabat – cháu gái 5 đời của vua Hàm Nghi. Mong muốn của cô qua quá trình nghiên cứu, thu thập tư liệu công phu này là để đưa ra thêm một góc nhìn mới về vua Hàm Nghi, khác với những nhận định trước đây của các sách sử tại Việt Nam, mong muốn hậu thế nhìn nhận Hàm Nghi không chỉ là “vua Hàm Nghi bị đi đày” mà còn là “họa sĩ Hàm Nghi với tài năng và đam mê thật sự”.
Sau khi bị đi đày, ông đã phát triển khả năng nghệ thuật trong hội họa, điêu khắc của mình từ những người thầy được đào tạo tại trường Mỹ thuật Pháp, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc từ Rodin.
Trước khi khái niệm hội họa hiện đại xuất hiện tại Việt Nam đầu thế kỷ 20, trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương được xây dựng tại Hà Nội năm 1925 để đào tạo ra những thế hệ họa sĩ tài năng đầu tiên của Việt Nam, thì ngay từ cuối thế kỷ 19, Hàm Nghi đã học kỹ thuật vẽ tranh màu nước, tranh sơn dầu, nghệ thuật điêu khắc đồng, các vật dụng bằng gỗ,… và có những triển lãm cá nhân. Ông xứng đáng được ghi tên vào lịch sử hội họa Việt Nam là nghệ sĩ tiên phong với nghệ thuật hiện đại phương Tây.
