Tùy bút: Văn hóa và âm nhạc dân gian Việt Nam ở Tháp Eiffel


Lệnh tự do hoạt động văn hóa sau mùa covid bị đứt quãng hơn hai năm mới ban ra, lễ hội “Làng Ẩm Thực Quốc tế” lại được tổ chức. Lần này ban tổ chức đã chọn một địa điểm tuyệt vời nhất đông nhất Paris nơi thu hút hàng triệu du lịch hàng năm, và cả thế giới biết đến đó là Vườn Trocadéro chính diện tháp Eiffel nổi tiếng. Lễ hội tổ chức ở đây chính là bằng chứng sống động rằng con người đã chiến đấu và chiến thắng giặc covid.

Ẩm thực luôn được tôn vinh ở Pháp. Nước Pháp vốn nổi tiếng ẩm thực đã đứng ra tổ chức với sự ủng hộ của tổng thống Macron. Sáng kiến này mới chỉ có vài năm nay, từng được tổ chức nhiều địa điểm khác nhau. Lần đầu tiên làng ẩm thực thế giới được tổ chức lớn với gần 50 nước tham gia ngay cạnh tháp Eiffel lộng lẫy.  Với sự cố gắng rất lớn để hai chữ Việt Nam và cờ đỏ bay sánh vai cùng các nước nhà hàng Ngọc Xuyến nổi tiếng giò nem chả ở Pháp đã có mặt tại lễ hội.

Nhận lời mời, hội Aurore Ánh Sáng cùng chị Thanh Hằng tất bật lo đưa văn hóa Việt Nam có mặt tham gia vui lễ hội. Xưa có câu “Ăn no mặc đẹp“. Lễ hội ẩm thực không thể thiếu được lễ hội văn hóa dân gian. Âm nhạc dân tộc luôn đi kèm với trang phục truyền thống. Hội Aurore Ánh Sáng đã mời Trung tâm văn hóa Việt Nam và một số anh chị em Việt Kiều không chuyên tham gia lễ hội nhằm quảng bá du lịch qua trang phục và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam tưởng hòa bình, vẫn tiếp tục chiến tranh. Quan hệ Pháp Việt bị cắt đứt. Khi ký kết hòa bình diễn ra ở Paris, năm 1973, hai nước mới bắt đầu nối kết ngoại giao. Việt Nam và Pháp từng có một lịch sử chung được ghi vào lịch sử thế giới. Việt Nam trước là thuộc địa của Pháp. Năm 1945 Việt Nam giành độc lập. Nhưng máu vẫn đổ. Đất nước bị chia cắt. Sau 1975, Việt Nam mới thực sự hòa bình. Bao nhiêu người Việt làm văn hóa mơ ước được một lần biểu diễn chính thức ở trước tháp Eiffel, nhất là số người từng học trường Pháp, những người thấm đượm hai nền văn hóa Pháp -Việt. Ông Nguyễn Khuê từng phụ trách mảng văn hóa của bộ Văn Hóa, là những người từ chiến khu Việt Bắc trở về làm văn hóa, tâm sự cùng cô con gái cũng học văn hóa Pháp rằng cha cứ đau đáu giấc mơ một ngày đàn bầu thánh thót hồn Việt sẽ được biểu diễn ngay tháp Eiffel lừng lẫy. Giấc mơ ấy của ông và nhiều người bạn làm văn hóa cùng ông giờ đây đã trở thành hiện thực. Tiếc rằng các ông và một số bạn ông những người cống hiến cho ngành văn hóa đã không còn để thấy giấc mơ văn hóa Việt Nam đã và đang được nhiều người Pháp biết đến.

Người Pháp không chỉ còn biết văn hóa ẩm thực Nem, Phở, bún thơm ngon hấp dẫn… mà còn được thưởng thức cả món ăn tinh thần giữa ánh đèn chiếu lung linh từ tháp Eiffel. Tiếng đàn bầu, tiếng đàn T’rưng, Klongput đã vang lên trên vườn Trocadéro. Biểu diễn giữa quảng trường lộng lẫy, tiếng nước phun từ các vòi thánh thót như tiếng nước chảy hòa quyện vào tiếng đàn tạo ra một quang cảnh mê ly giữa đêm ánh sáng nhấp nháy như sao ngàn ở núi rừng Tây Nguyên và Việt Bắc. Nghệ sĩ Thanh Sơn và Thanh Ngọc đã chơi hết mình để giới thiệu nhạc dân tộc Việt. Để có nửa tiếng trình diễn, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã lo lích kích chuyển nhạc cụ tre nứa lỉnh kỉnh để giúp hai nghệ sĩ từ buổi trưa.

Màn múa võ Việt Nam do đội Thanh Long Võ Việt của anh Tuấn đã kết thúc chương trình Việt Nam với sự tham gia gia cả các cháu sinh ra và lớn lên tại Pháp. Khán giả vui vỗ tay nhiệt liệt khi cậu bé lai Việt quật ngã một thanh niên to lớn hơn…

Màn diễn võ Việt Nam

Khán giả ngồi xem chật ních đến nỗi Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng, sau khi lên phát biểu chúc mừng lễ hội và mời tất cả đến thăm Việt Nam, trở xuống cũng không có chỗ để ngồi thưởng thức âm nhạc Việt Nam.

Lễ hội đông kín, việc đón tiếp Đại Sứ không đơn giản. Người ra vào tấp nập. Người xếp hàng vào mua vé dài ngoằng. Ban tổ chức phải tuyên bố hết chỗ, ai muốn vào chờ người ra… Ngài đại sứ vui vẻ ghé thăm quầy Việt Nam, uống Champagne chúc mừng sự có mặt của gian hàng ẩm thực Việt Nam duy nhất ở đây.

Những chiếc áo dài Việt tha thướt gây ấn tượng cho khách. Nhiều người xin chụp ảnh cùng để làm kỷ niệm. Ngày hôm sau, mấy người bạn Việt đã múa vui trên sân khấu nhưng thực chất để diễn các trang phục dân tộc.

Để có những màn biểu diễn Việt Nam thành công ở đây, ban chuẩn bị văn hóa do chị Thanh Hằng và bà Trần Thu Dung chủ tịch hội Aurore đứng ra nối kết đã mệt bơ phờ vì lo sao các buổi VN tạo ra ấn tượng cho người vào lễ hội.

Bà Ngọc Xuyến chủ gian hàng dù đã gần 80 cũng có mặt xem người con trai cả của bà Huy Pascal thao tác liên tục và mời chào khách đến thưởng thức Nem, và các món thuần Việt. Máy ép nước mía làm việc không ngừng… Người xếp hàng đông kín. Một cái quầy 9 mét mà tối gần 10 người phục vụ dường như không nghỉ lúc tháp Eiffel tỏa sáng.

Marie Anne-Trân

Marie Ann Trần cô gái lai Việt đã hát tiếng Pháp mở đầu tiết mục Việt buổi trưa bằng một bài nhiều người Pháp yêu thích “Hãy yêu đừng biết lý do”, sau đó là bài hát xưa chống chiến tranh “Thưa ngài tổng thống ơi tôi từng tham chiến…” như nhắc nhở một thời cha cô phải cầm súng bắt buộc vì chiến tranh Đông Dương. Cô hát với tâm trạng thật của chính đời mình. Giờ đây cô rất kiêu hãnh tôi là người Pháp gốc Việt đã được hát trước tháp Eiffel “Chào Việt Nam” của tác giả Marc Lavoine  nổi tiếng.

Đêm đã khuya, cửa Làng ẩm thực đóng cửa. Các nghệ sĩ phải vất vả xin phép đi mở lại cửa khác để tiện khiêng dụng cụ ra ô tô.

Đem chuông văn hóa đi đánh nước người không phải đơn giản, nhất là ở Paris thủ đô ánh sáng. Dù đây chỉ là hội chợ ẩm thực, nhưng nghệ sĩ Thanh Sơn đã cố gắng trình bày trong thời gian có thể các dụng cụ âm nhạc tre nứa cổ truyền như đàn T’rung, Kloongput, đàn bầu, trống, phách… Tất cả làm sao gây ấn tượng, một lần nhớ mãi. Các nước khác hầu như đơn giản chỉ mặc trang phục dân tộc lên nhảy múa, hát. Việt Nam là nước duy nhất không chỉ biểu diễn và như là triển lãm chớp nhoáng các nhạc cụ đặc sắc có thể diễn tả được tâm hồn bay bổng của người Việt nói riêng và của cả nhân loại. Nghệ sĩ đã chơi bài “Tuyết rơi” quen thuộc của Pháp bằng đàn bầu được khán giả cổ vũ nhiệt liệt.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sơn và Thanh Ngọc

Không gian rộng lớn, không phải thính phòng cách âm, nên việc trình diễn nhạc dân tộc gặp khó khăn nhất định. Sự cố gắng được đền bù bằng những tràng vỗ tay nhiệt liệt. Ngay hôm sau, một thiếu nữ Việt áo dài trắng thướt tha hát mời bạn đến thăm quê hương chúng tôi… biển xanh xa tít chân trời… Một số Việt Kiều xa quê lâu cũng xem chương trình đến để nghe Việt Nam biểu diễn.

Nhân dịp lễ hội gần ngày trung thu, một sáng kiến của Thu Mai của Tiệm Mọt, để thu hút trẻ em, đã xin ban tổ chức để một chỗ trong lều mát trò chơi dân gian ô ăn quan và bán đèn lồng xanh đỏ vui mắt. Cũng trong dịp lễ, chuyên gia trà Hồng Kỳ , từ Việt Nam đến Paris, đã giới thiệu trà búp thơm ngon đặc sản Việt Nam.

Khán giả đến Làng ẩm thực không chỉ thưởng thức hương vị thế giới còn tò mò về một đất nước từng là thuộc địa Pháp, và nước đầu tiên giành độc lập đã chăm chú lắng nghe và mơ màng sẽ có dịp đến thăm một đất nước xa xôi và thú vị.

Bài và hình: Nguyễn Tim

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s